TỔNG QUAN VỀ TỈNH TRÀ VINH
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN- XÃ HỘI
1. Vị trí địa lí
Trà Vinh là tỉnh duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tự nhiên 2.292 km2 với dân số khoảng 1,1 triệu người, bao gồm 1 thành phố trực thuộc tỉnh và 7 huyện, phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp Vĩnh Long, phía Nam giáp Sóc Trăng, phía Bắc giáp tỉnh Bến Tre, có 65 km bờ biển. Trà Vinh cách thành phố Hồ Chí Minh 200 km đi bằng quốc lộ 53, khoảng cách chỉ còn 130 km nếu đi bằng quốc lộ 60, cách thành phố Cần Thơ 95 km. Được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu với 02 cửa Cung Hầu và Định An nên giao thông đường thủy có điều kiện phát triển. Đã đầu tư dự án Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu thông ra biển qua địa bàn huyện Duyên Hải, Trà Cú để đảm bảo cho tàu có tải trọng trên 20.000 tấn vào cảng Cái Cui – Cần Thơ. Nơi đây có đủ điều kiện để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại cửa biển Định An. Trà Vinh nằm trong vùng nhiệt đới có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình từ 26 – 27OC, độ ẩm trung bình 80 – 85%/năm, ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ; mùa mưa từ tháng 5 – tháng 11, mùa khô từ tháng 12 – tháng 4 năm sau, lượng mưa trung bình từ 1.400 – 1.600 mm có điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất, kinh doanh và du lịch.
2. Điều kiện khí hậu
Thời tiết, khí hậu: Trà Vinh nằm trong vùng nhiệt đới có khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình từ 26 – 270C, độ ẩm trung bình 83 – 85%/năm, lượng mưa trung bình 1.500 mm, ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ và rất thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.
3. Tài nguyên thiên nhiên
3.1. Tài nguyên đất
Trà Vinh có 3 nhóm đất chính: đất cát giồng: 6,65%, đất phù sa: 58,29%, đất phèn: 24,44%.
– Diện tích đất: Tỉnh có 234.115 ha. Trong đó, đất nông nghiệp: 185.868 ha, đất lâm nghiệp: 6.745 ha, đất chuyên dùng: 12.880 ha, đất ở nông thôn: 3.845 ha, đất ở thành thị: 566 ha, đất chưa sử dụng: 900 ha, trong đó có đất cát giồng chiếm 6,62%.
– Diện tích rừng là 6.745 ha, nằm dọc bờ biển tại các huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú với các loại cây như: bần, đước, mắm, dừa nước, chà là,… đất bãi bồi: 1.138 ha.
– Diện tích đất và mặt nước nuôi trồng thủy sản khoảng 51.600 ha (diện tích nuôi tôm sú 29.000 ha).
+ Tổng sản lượng thủy, hải sản bình quân đạt 157.000 tấn/năm. Trong đó, sản lượng hải sản khai thác 54.000 tấn, nuôi trồng 90.000 tấn, khai thác nội đồng 12.000 tấn, trong đó tôm sú trên 19.000 tấn/năm, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng 3.000 tấn/năm.
+ Sản lượng cá: 52.000 tấn/ năm. Trong đó cá da trơn 30.000 tấn/năm. – Cua: 5.200 tấn/năm – Nghêu: 3.800 tấn/năm Hiện nay sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản của tỉnh có bước phát triển, nên nhu cầu về đầu tư nhà máy chế biến thủy hải sản xuất khẩu rất cần thiết.
3.2. Khoáng sản
Khoáng sản chủ yếu là những loại cát dùng trong công nghiệp và xây dựng, gồm:
+ Cát sông: có khả năng khai thác khoảng 60.000m3/năm
+ Đất sét gạch ngói: được Phân viện nghiên cứu địa chất công nhận là đạt yêu cầu dùng trong xây dựng, phục vụ cho công nghiệp chế biến vật liệu xây dựng. Trữ lượng: khoảng 45,6 triệu m
+ Mỏ nước khoáng: đạt tiêu chuẩn khoáng cấp quốc gia với nhiệt độ: 38,50C, khả năng khai thác khoảng 2.400 m3/ngày tại xã Long Toàn, huyện Duyên Hải.
3.3. Tài nguyên biển và thủy hải sản
Tài nguyên biển và thủy hải sản của Trà Vinh có tiềm năng rất lớn, các loài thủy hải sản sinh sống tại đây điều có giá trị kinh tế. Diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 49.523 ha (tôm và cá da trơn), sản lượng hàng năm khoảng 146.000 tấn. Diện tích nuôi trồng vùng nước ngọt khoảng 13.000 ha, sản lượng cá da trơn đạt 15.000 tấn. Đáp ứng cho nhu cầu của các dự án đầu tư chế biến nông – lâm – thủy sản xuất khẩu chất lượng cao.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh được sản xuất từ nguồn nguyên liệu của địa phương gồm thủy sản (đặc biệt là tôm và cá da trơn) nông sản, thực phẩm, các sản phẩm chế biến từ cây dừa và các sản phẩm khác như dược phẩm, may mặc, đặc biệt là hóa chất cơ bản, bản in offset theo công nghệ CTP (sản phẩm sản xuất trong khu công nghiệp Long Đức) đã mở rộng thị trường đến 34 quốc gia và vùng lãnh thổ.
4. Dân số và nguồn nhân lực
– Dân số toàn tỉnh 1,007 triệu người, dân tộc Kinh chiếm 69%, dân tộc Khmer 29%, còn lại là dân tộc Hoa, Ấn,…
– Nguồn nhân lực: Dân số trong độ tuổi lao động chiếm 63,66% và lao động có tay nghề chiếm 20%. Hệ thống đào tạo của tỉnh gồm 01 trường Đại học, các Trường Cao đẳng Dạy nghề, Cao đẳng Y tế, Trung tâm Tin học – Ngoại ngữ, Trung tâm Công nghệ thông tin quốc tế NIIT và các cở sở dạy nghề với nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau, hàng năm cung ứng nhân lực có chất lượng cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
5. Cơ sở hạ tầng
5.1. Về giao thông: Hệ thống giao thông của tỉnh chủ yếu là đường bộ và đường thuỷ. Trà Vinh cách thành phố Hồ Chí Minh 130 km đi theo Quốc lộ 1A và Quốc lộ 60; cách thành phố Cần Thơ 70 km và biên giới Việt Nam – Camphuchia 230 km đi theo Quốc lộ 54 và Quốc lộ 91 (Cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang).
Đường thủy là tuyến giao thông quan trọng của tỉnh như sông Cổ Chiên và sông Hậu. Trà Vinh cách thành phố Hồ Chí Minh 146 km theo tuyến sông Cổ Chiên – Chợ Lách – Mỹ Tho (Sông Tiền); cách thành phố Cần Thơ 99 km theo tuyến sông Cổ Chiên – Măng Thít – Sông Hậu.
5.2. Điện – nước: Đang triển khai xây dựng Trung tâm Điện lực Duyên Hải công suất 4.400 MW, sau khi hoàn thành sẽ hòa vào lưới điện quốc gia đáp ứng công suất cung cấp điện theo nhu cầu của phát triển sản xuất; Nhà máy nước tại thành phố Trà Vinh có công suất cấp nước 36.000 m³/ngày đêm. Tại huyện Duyên Hải chuẩn bị đầu tư thêm một nhà máy nước có công suất 10.000 m³/ngày đêm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện, nước phục vụ sản xuất cho nhà đầu tư tại các khu công nghiệp và khu kinh tế.
5.3. Dịch vụ viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm: Các dịch vụ bưu chính viễn thông, internet, các mạng điện thoại di động, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm của các hãng có uy tín đều hoạt động trên địa bàn tỉnh
II. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN
Tỉnh Trà Vinh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, với 2 cửa Cung Hầu và Định An, là 2 cửa sông quan trọng của vùng ĐBSCL thông thương qua biển Đông với cả nước và quốc tế nên giao thông đường thủy có điều kiện phát triển.
Với 65km bờ biển, Trà Vinh nằm trong vùng nhiệt đới có khí hậu mát mẻ, ít bị ảnh hưởng bởi lũ, bão; nhiều danh lam thắng cảnh như khu du lịch biển Ba Động, Cồn Nghêu, các chùa Khmer với nhiều lễ hội… là điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển và ven biển như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và các ngành kinh tế biển khác
1. Về nông nghiệp
Trà Vinh sở hữu tiềm năng về đất đai với hơn 108 ngàn ha đất trồng cây hàng năm, trong đó có gần 99.000 ha đất trồng lúa. Tỉnh cũng đã triển khai thành công mô hình cánh đồng lúa mẫu lớn, năng suất và chất lượng lúa phục vụ xuất khẩu ngày càng tăng… Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, Trà Vinh đã đồng loạt triển khai nhiều chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực nông nghiệp: vùng chuyên canh cây ăn quả, đặc biệt là cây dừa sáp ở huyện Cầu Kè; vùng nuôi tôm sú ở các huyện ven biển như Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú và một phần của huyện Châu Thành; nuôi cá da trơn ở các huyện ven sông Hậu như Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long và Tp.Trà Vinh.
2. Về khai thác, nuôi trồng thủy – hải sản
Trà Vinh có 65 km bờ biển, thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản. Tổng diện tích nuôi hơn 51.600 ha, trong đó trên 29.000 ha nuôi tôm sú. Tổng sản lượng thuỷ, hải sản hằng năm bình quân đạt 163.000 tấn, trong đó khai thác sông, biển 60.000 tấn; nuôi trồng 88.400 tấn; khai thác nội đồng 14.900 tấn. Nói chung, tiềm năng thuỷ, hải sản của Trà Vinh là rất lớn. Hiện tại năng lực chế biến xuất khẩu của nhà máy chế biến thủy hải sản trong tỉnh mới đạt khoảng 60% sản lượng nên nhu cầu về đầu tư chế biến thuỷ hải sản xuất khẩu đang rất cần thiết.
3. Về công nghiệp, thương mại và du lịch
Trà Vinh có thế mạnh về các sản phẩm chế biến thủy sản, xay xát lương thực, chế biến dừa, vật liệu ngành in, giày da, mía đường, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề… Một số ngành chủ lực của tỉnh gồm: chế biến thủy sản, chế biến dừa, xay xát lương thực…Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, đặc biệt là tôm và cá da trơn, nông sản, thực phẩm, các sản phẩm chế biến từ dừa… đã vươn tới thị trường 34 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trà Vinh còn là tỉnh giàu tiềm năng phát triển du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều lễ hội mang đậm nét văn hoá dân tộc với 141 ngôi chùa Khmer theo kiến trúc độc đáo, vừa là nơi giao lưu văn hoá, vừa là những điểm hẹn hấp dẫn riêng có cho du khách trong và ngoài nước.
Đồng hành cùng tiến trình CNH – HĐH sôi động của cả nước, Trà Vinh cũng đang trên đường đổi thay toàn diện, diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc. Các quốc lộ được nâng cấp, mở rộng, nhất là hơn 50 km QL 53 đã được Chính phủ phê duyệt nâng cấp lên đủ cho 4 làn xe ô tô. Đặc biệt gần đây, nhiều công trình lớn cấp quốc gia được triển khai đầu tư tại Trà Vinh đã tạo những bước đột phá quan trọng có tính chiến lược cho phát triển kinh tế – xã hội. Năm 2009, Chính phủ quyết định thành lập KKT Định An với tổng diện tích 39.020 ha, mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào tỉnh nhà. Đặc biệt với nhiều công trình trọng điểm đang được triển khai như Dự án Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu (bảo đảm cho tàu có trọng tải 20.000 tấn) xuyên qua địa phận tỉnh Trà Vinh thông với biển Đông nối liền với cảng Cái Cui (Cần Thơ) và hệ thống các cảng lớn khu vực ĐBSCL dự kiến thông luồng năm 2014 – 2015 sẽ đưa Trà Vinh trở thành cửa ngỏ quan trọng trong vận chuyển hàng hóa đến các cảng trong nước và quốc tế.
Với dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải công suất 4.400 MW, tháng 11/2015 hoàn thành Nhà máy 1 với công suất 1.200 MW, khi hòa vào lưới điện quốc gia bảo đảm cung cấp điện ổn định cho sản xuất công nghiệp và sinh hoạt. Bên cạnh đó việc hoàn thành cầu Cổ Chiên vào tháng 7/2015 và các dự án nâng cấp QL 53, 54, 60 đảm bảo lưu thông các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, giúp rút ngắn thời gian và khoảng cách từ Trà Vinh đến Tp.HCM còn 130 km với hơn hai giờ đi bằng xe ô tô theo tuyến QL 60 và cách Tp.Cần Thơ khoảng 70 km theo QL 54.Có thể khẳng định tiềm lực phát triển KT – XH của Trà Vinh đã và đang được khơi dậy, đánh thức và khai thác hiệu quả. Đây cũng chính là nền tảng vững vàng đưa Trà Vinh nhanh chóng trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước.
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÀ KINH TẾ BIỂN CỦA TRÀ VINH
Trà Vinh là nơi sinh sống chủ yếu của 03 dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa – 03 bản sắc dân tộc riêng được hòa quyện sống chan hòa trên cùng một mảnh đất. Trà Vinh bao gồm vùng đất châu thổ lâu đời, nguồn tài nguyên biển dồi dào, được bao bọc bởi hai nhánh Sông Tiền và Sông Hậu tiếp giáp Biển Đông, với 02 cửa sông Cung Hầu và Định An là 02 cửa sông quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tỉnh có 09 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 05 đơn vị hành chính ven biển.
Ngành du lịch Trà Vinh có nhiều điều kiện khai thác và phát triển, ngoài những cảnh đẹp thiên nhiên rừng ngập mặn, nhiều cồn, cù lao nằm giữa Sông Tiền, Sông Hậu, Trà Vinh còn sở hữu những thắng cảnh nổi tiếng như: biển Ba Động, ao Bà Om, Thiền viện Trúc Lâm cùng nhiều di tích lịch sử, kiến trúc cổ xưa, di sản văn hóa, chùa và những cảnh quan sông nước miệt vườn kết hợp với các dự án điện gió tạo nên các điểm tham quan lý tưởng cho du khách tham quan, nghỉ dưỡng.
Bãi biển Ba Động: Có chiều dài hơn 10km, trải dài từ vàm Láng Nước đến vàm Khâu Lầu với những đụn cát, hàng phi lao và bãi cát trải dài. Đây là địa danh nghỉ dưỡng nổi tiếng từ thời Pháp thuộc. Nơi đây, hiện còn nhiều khu rừng nguyên sinh được bảo vệ, chăm sóc nuôi dưỡng; có hệ động thực vật đa dạng, gồm các loài đước, mắm, bần, dừa nước, tôm, cua, nghêu, sò huyết, rắn…
Từ năm 2000, Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động thuộc xã Trường Long Hòa đã được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000, quy mô 368,80ha, bao gồm các hạng mục kêu gọi đầu tư: du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng; các loại hình sinh hoạt giải trí trên biển; du lịch cắm trại dã ngoại… đã hình thành Khu du lịch biển Ba Động, hiện nay Công ty Cổ phần Đầu tư Kiên Giang SG đang đầu tư xây dựng Khu tham quan du lịch nghỉ dưỡng Ba Động, với tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng, trên diện tích 2,76 ha.
Mỏ nước khoáng nóng Cồn Ông – Long Thạnh: chạy dài từ ấp Cồn Ông, xã Dân Thành đến khóm Long Thạnh, Phường 1, thị xã Duyên Hải được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Nhà nước xét và phê duyệt ở cấp B (240m³/ngày đêm), với nhiệt nóng 37,5 độ, rất lý tưởng để khai thác dịch vụ tắm khoáng nóng… đây là nguồn tài nguyên do thiên nhiên ưu ái cho Trà Vinh, là điểm đến duy nhất trong khu vực ĐBSCL về khoáng nóng.
Rừng ngập mặn Nông trường 22/12: Xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, diện tích 105ha, có nhiều hệ động vật như cua biển, tôm sú, tôm thẻ bạc, sò huyết, cá ngát, cá dứa, cá đối… Nông trường 22/12, đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đang thực hiện phương án đấu giá hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư du lịch sinh thái, tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng, với tổng mức đầu tư dự kiến 120 tỷ đồng… Tương lai nơi đây là điểm đến hấp dẫn của thị xã Duyên Hải.
Bên cạnh đó, thị xã Duyên Hải còn có các địa điểm có thể khai thác du lịch như Thiền Viện Trúc Lâm, Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Khu di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu.
Khu Bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển: xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, với diện tích khoảng 650ha, đã được tỉnh đầu tư để khôi phục và phát triển đa dạng hệ sinh thái rừng ngận mặn ven biển, trong đó có quy hoạch lại các phân khu chức năng, mở rộng và phát triển rừng đệm, khu bảo tồn sinh thái, bảo tồn các giống thực vật quý hiếm… kết hợp phát triển nơi đây thành khu du lịch sinh thái tiêu biểu của của tỉnh.
Cù lao Long Hòa – Hòa Minh: nằm trên tuyến giao thông đường thủy quan trọng của miền Nam và cửa Cổ Chiên – cửa biển lớn nhất của ĐBSCL. Qua cửa biển này, chúng ta có thể ngược dòng Sông Tiền đến các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang… Bên cạnh đó, cư dân cù lao đã tạo ra những nét đẹp riêng trong văn hóa địa phương thể hiện qua đời sống sinh hoạt… để khai thác du lịch tại cù lao, tháng 9/2019 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với huyện Châu Thành ra mắt và khai thác Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, xã Hòa Minh, có diện tích tự nhiên 60ha, nằm giữa sông Cổ Chiên, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 34ha và có 220 người dân sinh sống, nơi đây còn giữ được nhiều nét văn hóa của vùng quê Nam Bộ với cảnh quan môi trường thân thiện, không khí trong lành, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp sạch.
Cồn Chim mang tính đặc trưng là người dân làm du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, nuôi trồng và sản xuất sạch theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”. Du lịch cộng đồng Cồn Chim theo xu hướng “du lịch chậm”, “du lịch thuận thiên” phù hợp với mọi người, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và hưởng thụ của du khách.
Song song đó, gắn liền với các điểm đến về du lịch biển còn có Lễ hội Nghinh Ông (cúng biển) diễn ra vào các ngày 10, 11, 12/5 âm lịch hàng năm tại làng biển Mỹ Long, thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang. Đây là một trong những lễ hội dân gian truyền thống tiêu biểu được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nâng tầm tổ chức quy mô cấp tỉnh. Từ năm 2013, Lễ hội Cúng biển Mỹ Long được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đặc biệt, tỉnh Trà Vinh là một trong hai địa phương trong khu vực ĐBSCL được Chính phủ chọn để thành lập một trong những khu kinh tế trọng điểm cấp quốc gia. Đó là Khu kinh tế Định An tại địa bàn 02 huyện Trà Cú, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Đây là khu kinh tế ven biển tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gồm công nghiệp – thương mại – dịch vụ – du lịch – đô thị và nông – lâm – ngư nghiệp, với diện tích là 39.020ha, thực hiện giai đoạn 01 đến năm 2020 là 15.403,7ha. Hiện tại Khu Kinh tế Định An đã thu hút 50 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 147.600 tỷ đồng…
Trà Vinh là cửa ngõ giao thương của ĐBSCL, Trà Vinh có Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu là tuyến kết nối giao thương hàng hải với các tỉnh ĐBSCL, với 01 cảng biển cho tàu có tải trọng từ 30.000 – 50.000 tấn cập bến, dự kiến trong quý III/2021 đưa vào hoạt động 01 bến cảng. Các dự án trọng điểm của Trung ương, của tỉnh và các doanh nghiệp đã hoàn thành cũng như đang triển khai như: Luồng cho tàu lớn vào sông Hậu; Trung tâm Điện lực Duyên Hải với công suất 4.400MW.
Với lợi thế có 65km chiều dài bờ biển, tiềm năng rất lớn cho việc phát triển năng lượng tái tạo, năm 2015 tỉnh Trà Vinh được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Trà Vinh giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030, tổng công suất điện gió của Trà Vinh đạt khoảng 1.608MW, hiện nay tỉnh Trà Vinh thu hút 09 dự án điện gió, cấp chủ trương đầu tư cho 08 dự án với tổng công suất là 570MW, tổng vốn đầu tư khoảng 27.336 tỷ đồng, 01 dự án đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp chủ trương đầu tư, mức đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng. Theo tiến độ thi công trong năm 2021 có 05 dự án sẽ hòa lưới điện quốc gia, các dự án điện gió đi vào hoạt động sẽ là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan, du lịch… Với những lợi thế nêu trên tỉnh Trà Vinh hoàn toàn có thể trở thành trung tâm kinh tế biển của vùng ĐBSCL, đây chính là những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch biển tỉnh Trà Vinh trong tương lai.
Bên cạnh đó, Trà Vinh còn có các cù lao, cồn nổi nằm cách bờ biển từ 05 – 10km ra ngoài khơi, có diện tích từ 700 – 1.000ha chạy song song với chiều dài của bờ biển gồm: Cồn Phụng, Cồn Bần, Cồn Nghêu, Cồn Vượt. Đặc biệt các dự án của hợp tác xã nuôi nghêu trên bãi bồi ven biển, tại các cồn nổi, là điều kiện lý tưởng để tỉnh phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm cuộc sống cùng người dân xứ cồn, trải nghiệm cùng ngư dân thu hoạch nghêu, thưởng thức đặc sản miền biển…
– HẾT-