TỔNG QUAN TỈNH THỪA THIÊN- HUẾ
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
1. Vị trí địa lí
Tỉnh Thừa Thiên Huế nằm ở duyên hải miền trung Việt Nam bao gồm phần đất liền và phần lãnh hải thuộc thềm lục địa biển Đông. Phần đất liền Thừa Thiên Huế có tọa độ địa lý như sau:
– Điểm cực Bắc: 16044’30” vĩ Bắc và 107023’48” kinh Đông tại thôn Giáp Tây, xã Điền Hương, huyện Phong Điền.
– Điểm cực Nam: 15059’30” vĩ Bắc và 107041’52” kinh Đông ở đỉnh núi cực nam, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông.
– Điểm cực Tây: 16022’45” vĩ Bắc và 107000’56” kinh Đông tại bản Paré, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới.
– Điểm cực Đông: 16013’18” vĩ Bắc và 108012’57” kinh Đông tại bờ phía Đông đảo Sơn Chà, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.
2. Giới hạn, diện tích
Thừa Thiên Huế có chung ranh giới đất liền với tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (có 81 km biên giới với Lào) và giáp biển Đông.
– Phía Bắc, từ Đông sang Tây, Thừa Thiên Huế trên đường biên dài 111,671 km tiếp giáp với các huyện Hải Lăng, Đakrông và Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
– Từ mặt Nam, tỉnh có biên giới chung với huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam dài 56,66km, với huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng dài 55,82 km.
– Ở phía Tây, ranh giới tỉnh (cũng là biên giới quốc gia) kéo dài từ điểm phía Bắc (ranh giới tỉnh Thừa Thiên Huế với tỉnh Quảng Trị và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) đến điểm phía Nam (ranh giới tỉnh Thừa Thiên Huế với tỉnh Quảng Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) dài 87,97km.
– Phía Đông, tiếp giáp với biển Đông theo đường bờ biển dài 120km.
– Phần đất liền, Thừa Thiên Huế có diện tích 5025,30 km2, kéo dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, nơi dài nhất 120 km (dọc bờ biển), nơi ngắn nhất 44 km (phần phía Tây); mở rộng chiều ngang theo hướng Đông Bắc – Tây Nam với nơi rộng nhất dọc tuyến cắt từ xã Quảng Công (Quảng Điền), phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) đến xã Sơn Thủy – Ba Lé (A Lưới) 65km và nơi hẹp nhất là khối đất cực Nam chỉ khoảng 2-3km.
– Vùng nội thủy: rộng 12 hải lý
– Vùng đặc quyền kinh tế mở rộng đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
– Trên thềm lục địa biển Đông ở về phía Đông Bắc cách mũi cửa Khém nơi gần nhất khoảng 600m có đảo Sơn Chà. Tuy diện tích đảo không lớn (khoảng 160ha), nhưng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng đối với nước ta nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.
– Thừa Thiên Huế nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc-Nam, trục hành lang Đông – Tây nối Thái Lan – Lào – Việt Nam theo đường 9. Thừa Thiên Huế ở vào vị trí trung độ của cả nước, nằm giữa thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm lớn của hai vùng kinh tế phát triển nhất nước ta. Thừa Thiên Huế cách Hà Nội 660 km, cách thành phố Hồ Chí Minh 1.080 km.
– Bờ biển của tỉnh dài 120 km, có cảng Thuận An và vịnh Chân Mây với độ sâu 18 – 20m đủ điều kiện xây dựng cảng nước sâu với công suất lớn, có cảng hàng không Phú Bài nằm trên đường quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt chạy dọc theo tỉnh.
3. Khí hậu, thời tiết
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cho nên thời tiết diễn ra theo chu kỳ 4 mùa, mùa xuân mát mẽ, ấm áp; mùa hè nóng bức; mùa thu dịu và mùa đông gió rét. Nhiệt độ trung bình cả năm 25°C. Số giờ nắng cả năm là 2000 giờ. Mùa du lịch đẹp nhất từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.
4. Đặc điểm địa hình
Địa hình Thừa Thiên Huế có cấu tạo dạng bậc khá rõ rệt.
– Địa hình núi chiếm khoảng 1/4 diện tích, từ biên giới Việt – Lào và kéo dài đến thành phố Đà Nẵng.
– Địa hình trung du chiếm khoảng 1/2 diện tích, độ cao phần lớn dưới 500 m, có đặc điểm chủ yếu là đỉnh rộng, sườn thoải và phần lớn là đồi bát úp, với chiều rộng vài trăm mét.
– Đồng bằng Thừa Thiên Huế điển hình cho kiểu đồng bằng mài mòn, tích tụ, có cồn cát, đầm phá. Diện tích vùng đồng bằng chiếm khoảng 1.400 km2.
5. Hệ thống sông ngòi
Tổng chiều dài sông suối và sông đào đạt tới 1.055km, tổng diện tích lưu vực tới 4.195km2. Mật độ sông suối dao động trong khoảng 0,3-1km/km2, có nơi tới 1,5-2,5 km/km2. Những con sông lớn như: Sông Ô Lâu, hệ thống Sông Hương, sông Nong, sông Truồi, sông Cầu Hai, sông Bù Lu. Ngoài các sông thiên nhiên, xung quanh thành phố Huế còn gặp nhiều sông đào như: Sông An Cựu, sông Đông Ba, sông Kẻ Vạn . Trên đồng bằng duyên hải còn có hói Bảy Xã, hói Hàng Tổng nối sông Hương với sông Bồ, hói Phát Lát, hói Như Ý, hói Chợ Mai.
6. Tài nguyên khoáng sản
Trên lãnh thổ Thừa Thiên Huế đã phát hiện được 120 mỏ, điểm khoáng sản với 25 loại khoáng sản, tài nguyên nước dưới đất, phân bố đều khắp, trong đó chiếm tỷ trọng đáng kể và có giá trị kinh tế là các khoáng sản phi kim loại và nhóm vật liệu xây dựng.
– Nhóm khoáng sản nhiên liệu chủ yếu là than bùn, trữ lượng các mỏ than bùn ở khu vực các trằm tại Phong Chương được đánh giá lên tới 5 triệu mét khối.
– Nhóm khoáng sản kim loại có sắt, titan, chì, kẽm, vàng, thiếc
– Nhóm khoáng sản phi kim loại và nhóm vật liệu xây dựng là các nhóm có triển vọng lớn nhất của Thừa Thiên Huế, bao gồm pyrit, phosphorit, kaolin, sét, đá granit, đá gabro, đá vôi, cuội sỏi và cát xây dựng.
– Tài nguyên nước (bao gồm cả nước nhạt và nước khoáng nóng) được phân bố tương đối đều trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng trữ lượng nước dưới đất ở các vùng đã nghiên cứu ở cấp C1 đạt gần 9.200m3/ngày.
– Bảy nguồn nước khoáng nóng có thể sử dụng để uống và chữa bệnh (đáng chú ý nhất trong số này là ba điểm Thanh Tân, Mỹ An và A Roàng).
II. BỀ DÀY VĂN HÓA- SỨC HÚT ĐỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH DU LỊCH CỦA TỈNH THỪA THIÊN- HUẾ.
1. Lược sử hình thành và phát triển
Những kết quả nghiên cứu khảo cổ học ngày nay đã chứng minh vùng đất Thừa Thiên Huế ngày nay có mối quan hệ nguồn gốc với văn hóa Sa Huỳnh và giao lưu với văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc đất nước. Theo các tư liệu xưa, từ hàng nghìn năm trước, Thừa Thiên Huế đã từng là địa bàn cư trú của những cộng đồng cư dân mang nhiều sắc thái văn hóa khác nhau.
Tương truyền vào thời kỳ hình thành nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, Thừa Thiên Huế là một vùng đất thuộc bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang cổ đại. Đến đầu thời kỳ Bắc thuộc, vùng đất này thuộc Tượng Quận. Năm 116 trước Công nguyên, quận Nhật Nam ra đời thay thế cho Tượng Quận. Năm 192, một lãnh tụ địa phương ở quận Nhật Nam là Khu Liên lãnh đạo nhân dân nổi dậy lật đổ ách thống trị của nhà Hán, lập ra một quốc gia được sử sách Trung Quốc chép là Lâm Ấp (Linyi). Trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi từ Lâm Ấp thành Hoàn Vương và sau cùng là Champa, nhà nước Champa là một quốc gia độc lập nằm ở phía nam lãnh thổ cư trú của người Việt, vùng đất Thừa Thiên Huế là một phần lãnh thổ phía bắc của vương quốc Champa.
Sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử của Ngô Quyền (năm 938), Đại Việt giành được độc lập, vùng đất nay là tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn thuộc về vương quốc Champa. Năm 1306, vua Champa là Chế Mân kết hôn với công chúa Huyền Trân, con gái vua Trần Nhân Tông, và cắt đất hai châu ở vùng cực bắc của Champa là châu Ô và châu Lý là quà sính lễ. Nhà Trần đổi tên châu Ô và châu Lý thành châu Thuận và châu Hóa, chính thức trở thành các đơn vị hành chính của Đại Việt. Châu Hóa thời Trần chính là địa bàn của tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay.
Trải qua nhiều thế kỷ phát triển, Thừa Thiên Huế trở thành địa bàn giao thoa giữa hai nền văn hóa lớn của phương Đông với nền văn hóa của các cư dân bản địa. Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, Thừa Thiên Huế là thủ phủ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, là kinh đô của cả nước dưới thời Tây Sơn với tên gọi là Phú Xuân. Thời nhà Nguyễn, sau khi lên ngôi, vua Gia Long chia cả nước thành 23 trấn và 4 dinh, Thừa Thiên Huế ngày nay thuộc dinh Quảng Đức; địa danh hành Quảng Đức tồn tại trong vòng 20 năm (1802 – 1822). Đến năm 1822, dinh Quảng Đức được vua Minh Mạng đổi tên thành phủ Thừa Thiên. Từ năm 1831 – 1832, vua Minh Mạng lần đầu tiên chia cả nước thành 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 30 tỉnh và 1 phủ Thừa Thiên. Đến thời Pháp thuộc, được đổi thành tỉnh Thừa Thiên. Tên này được duy trì cho đến năm 1975.
Sau ngày đất nước thống nhất (30.4.1975), tỉnh Thừa Thiên hợp nhất với tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị và khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên (năm 1976). Ngày 30.6.1989, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII đã quyết định tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh như cũ, riêng tỉnh Thừa Thiên sau khi tách thì mang tên gọi mới là tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa
Là vùng đất của truyền thống lịch sử, Thừa Thiên Huế cũng là quê hương của nhiều anh hùng, nhân vật nổi tiếng như: Nguyễn Cư Trinh (1716 – 1767), Nguyễn Tri Phương (1800 – 1873),
Tuy Lý Vương (1820 – 1897), Tôn Thất Thuyết (1839 – 1913),
Nguyễn Chí Thanh (1914 – 1967), Đặng Văn Ngữ (1910 – 1967). Ngoài việc xây dựng các nhà thờ, nhà tưởng niệm, những năm gần đây, Thừa Thiên Huế còn tổ chức những lễ hội vào những ngày sinh và mất của các danh nhân, bao gồm các hoạt động như dâng hương, viếng mộ, tọa đàm, đọc tiểu sử,…
3. Di sản văn hóa
Là nơi hội tụ giao thoa các yếu tố văn hóa và kinh tế của nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh; của nền văn hóa Ấn Độ, văn hóa Trung Hoa sau này là văn hóa phương Tây, Thừa Thiên Huế là một vùng văn hóa độc đáo, đa dạng và phong phú, góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
3.1. Văn hóa vật thể
a. Di tích
Thừa Thiên – Huế rất nổi tiếng với những quần thể di tích nổi tiếng như: Quần thể di tích cố đô Huế, Cầu ngói Thanh Toàn, Trung tâm văn hóa Huyền Trân , Làng cổ Phước Tích. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế còn có những đình làng như: đình làng An Truyền, đình và chùa Thủy Dương, đình Lại Thế, đình Dạ Lê, đình Mỹ Lợi, đình Phú Xuân, đình Thủ Lễ, đình và miếu khai canh Thế Lại Thượng, đình Văn Xá, đình Cổ Lão và những di tích văn hóa Champa: Cồn Ràng, đền Trạch Phổ, miếu Xuân Hòa, thành Lồi, thành Hóa Châu, tháp đôi Liễu Cốc, tháp Linh Thái, tháp Phú Diên…
b. Bảo tàng
– Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế: Đây là Bảo tàng được thành lập sớm nhất ở Huế (năm 1923), với tên gọi đầu tiên là Musée Khải Định. Sau đó Bảo tàng này nhiều lần được đổi tên: Tàng Cổ Viện Huế (1947); Viện Bảo tàng Huế (1958), Nhà trưng bày Cổ vật (1979), Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (1995), Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (2007).
– Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế: Bảo tàng được thành lập vào ngày 16.9.1980 trên cơ sở những sự kiện đặc thù về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người suốt gần 10 năm ở Huế. Nội dung trưng bày của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế góp phần làm sáng rõ những vấn đề gắn bó giữa cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc và thời đại. Bên cạnh những nội dung mang tính đặc thù về thời niên thiếu còn có phần trưng bày tổng hợp các chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều hình ảnh, hiện vật phong phú đa dạng. Ngoài việc tham quan nhà trưng bày, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế còn tổ chức đón tiếp, hướng dẫn quý khách đến tham quan các di tích lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
c. Danh lam thắng cảnh
Thừa Thiên- Huế nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nức lòng khách thập phương: Sông Hương, Hồ Tịnh Tâm, Núi Ngự Bình, Núi Bạch Mã, Núi Túy Vân, Đồi Thiên An – hồ Thủy Tiên, Lăng cô, đồi Vọng Cảnh, bãi biển Thuận An, thác A Nô, suối Voi, suối Mơ, suối khoáng Thanh Tân…
3.2. Văn hóa phi vật thể
Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể, Thừa Thiên Huế còn có một nền văn hóa phi vật thể phong phú. Các loại hình nghệ thuật (cung đình và dân gian), lễ hội, văn hóa ẩm thực, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, phong tục tập quán của Huế rất đa dạng, độc đáo và đặc sắc.
a. Phong tục tập quán: Tục cưới hỏi, Tục ma chay, Tục cúng âm hồn
b. Lễ hội
– Lễ hội cung đình: Lễ hội cung đình diễn ra trong cung đình dưới triều Nguyễn (1802 – 1945). Hầu hết là những đại lễ của triều đình như lễ tế Nam Giao, lễ tế Văn Miếu, lễ tế Xã Tắc, lễ tế Thái Miếu, lễ tế Thế Miếu, lễ Tịch Điền, lễ tế Kỳ Đạo, lễ khai trạo của thủy quân, lễ đăng quang, lễ mừng thọ tứ tuần, ngũ tuần của hoàng đế, hoàng hậu, và lễ Hưng quốc Khánh niệm (mồng 2 tháng 5 âm lịch)…
– Lễ hội dân gian: Thừa Thiên Huế là nơi còn bảo lưu nhiều lễ hội dân gian đặc sắc, đáng chú ý là các lễ hội sau: Lễ hội Hòn Chén, Lễ cúng âm hồn, Hội vật làng Sình, Hội diều truyền thống, Hội đua ghe truyền thống, Festival Huế
c. Làng nghề và nghề truyền thống
Vốn là vùng đất kinh kỳ, Thừa Thiên Huế hiện có 88 làng nghề trong đó có 69 làng nghề truyền thống, 8 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 11 làng nghề mới với khoảng 32 nghề và nhóm nghề. Một số làng nghề và ngành nghề truyền thống đã được bảo tồn như gốm tranh làng Sình, gốm Phước Tích… Một số làng nghề đã được khôi phục và phát triển khá như: đúc đồng (phường Đúc), mộc mỹ nghệ (Mỹ Xuyên, Xước Dũ), nước nắm (Phú Thuận), đệm bàng (Phò Trạch), hoa giấy (Thanh Tiên), in tranh (Lại Ân), nón (Thủy Thanh, Mỹ Lam), dệt zèng (A Roàng, A Đớt
d. Ẩm thực
Ẩm thực Huế có một chiều sâu mang đậm nét bản sắc của một vùng đất từng là kẻ chợ, thanh lịch, nhẹ nhàng và tùng tiệm. Với trên dưới 1.300 món ăn, hiện đang lưu truyền trên dưới 700 món với 3 loại: món ăn cung đình, các món ăn dân gian và các món ăn chay, ẩm thực Huế trong dặm dài lịch sử hàng trăm năm không đơn thuần là những món ăn mang tính thực dụng mà đã tạo thành một giá trị văn hóa đặc trưng, một triết lý. Nhưng món ăn tiêu biểu như Mè xửng. tôm chua, cơm hến, bún bò, bánh khoái, các loại chè…
III. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI 5 NĂM ( 2021 – 2025) TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
( Lược Theo Kế hoạch số 348/KH-UBND n gày 09/11/2021 của UBND tỉnh)
– Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
– Khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng, nhất là sự kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, vị trí cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông – Tây và con người Huế.
– Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá; giữa bảo tồn, gìn giữ truyền thống và phát huy các giá trị di sản, trong đó bảo tồn là cốt lõi; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó phát triển thành phố trực thuộc Trung ương phải đảm bảo điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản.
– Xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và những ngành, lĩnh vực kinh tế có tiềm năng, lợi thế.
1. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU
– Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân/năm: 7,5 – 8,5%.
– GRDP bình quân đầu người đến năm 2025: 3.500 – 4.000 USD.
– Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: dịch vụ chiếm 53 – 54%; công nghiệp và xây dựng 31 – 32%; nông nghiệp 7 – 9% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6 – 7%.
– Vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 12%/năm.
– Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 12 – 13%/năm; phấn đấu cân bằng ngân sách vào năm 2025.
– Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10 – 12%/năm.
– Tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025: 70 – 75%.
– Có 13 – 14 bác sĩ/vạn dân và 58 – 60 giường bệnh/vạn dân.
– Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đến năm 2025: còn 2 – 2,2% (tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%).
– Tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025: 87% (trong đó, 20% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao).
– Tỉ lệ dân số sử dụng nước sạch đến năm 2025: 100%.
– Tỉ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đến năm 2025: 100%.
– Tỉ lệ che phủ rừng đạt 56 – 57%.
2. MỘT SỐ CÂN ĐỐI LỚN NỀN KINH TẾ
2. 1. Lao động và việc làm
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đến năm 2025 dự kiến đạt khoảng 650.000 người, tăng 1,27% so với năm 2020, trong đó lao động làm việc trong nền kinh tế quốc dân dự kiến đạt khoảng 625.000 người, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dự kiến dưới 2,3%.
2. 2. Thu ngân sách nhà nước
Thu ngân sách nhà nước bình quân 12.000-12.500 tỷ đồng/năm; tăng bình quân 12 – 13%/năm; phấn đấu cân bằng ngân sách vào năm 2025.
2. 3. Cân đối vốn đầu tư phát triển
Dự kiến khả năng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 180.000-190.000 tỷ đồng, tương ứng 36.000-38.500 tỷ đồng/năm, tăng 10-12%/năm, bằng khoảng 45% GRDP, trong đó vốn ngân sách Nhà nước ước chiếm 16-17%.
2. 4. Cân đối xuất nhập khẩu
Xuất khẩu hàng hóa dự kiến tăng từ 14-15% trở lên; nhập khẩu hàng hóa dự kiến tăng 14-15% trở lên. Dự kiến xuất nhập khẩu đến năm 2025 ước đạt 2,5-2,6 tỷ USD; trong đó: Xuất khẩu 1,6 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 01 tỷ USD.
2. 5. Cân đối về năng lượng
– Về phát triển nguồn điện: Dự kiến công suất điện mặt trời khoảng 300MWp (trên mặt đất khoảng 150MWp, trên mặt nước khoảng 150MWp); nhiệt điện khí công suất dự kiến 2.400MW; nguồn điện khác công suất khoảng 32MW (điện rác, điện tận dụng nhiệt dư).
– Về sản xuất và cung ứng điện: Dự kiến điện sản xuất: 1.800-2.000 triệu Kwh/năm (từ các dự án thủy điện và điện mặt trời); tăng bình quân 5-6%; điện thương phẩm khoảng 2.800-3.000 triệu kWh/năm, tăng 13-14%.
3 . CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
3.1 . Tiếp tục hoàn hoàn thiện thể chế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; xây dựng và triển khai cơ chế chính sách phát triển ngành lĩnh vực đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững
– Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ
Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2025.
Tập trung phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương hoàn thành và triển khai thực hiện hiệu quả các Đề án: Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế; Đề án thành lập thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương; Đề án xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia; Đề án Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế.
Triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021-2030, định hướng 2050 phù hợp với mô hình đô thị khi xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm đồng bộ các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực – xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đảm bảo nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư các dự án trọng điểm; triển khai Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế (theo định hướng toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương).
Tổ chức triển khai Nghị quyết 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện tổ chức bộ máy sớm vận hành hoạt động của các cơ quan, đơn vị, đảm bảo duy trì các hoạt động hành chính tại các địa phương, ổn định đời sống nhân dân và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
– Xây dựng và triển khai cơ chế chính sách phát triển ngành, lĩnh vực đảm bảo phù hợp, khả thi, thực hiện hiệu quả nhằm phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững
Nghiên cứu đề xuất các Đề án, chính sách, cơ chế hỗ trợ, thu hút, tạo điều kiện phát triển du lịch trong tình hình mới. Xây dựng cơ chế và chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư vào các ngành, lĩnh vực: kinh doanh hạ tầng, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chính sách đầu tư PPP,…
Có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nhất là phục vụ sản xuất và chế biến nông sản. Phát triển mạnh các nghề, làng nghề gắn với phát triển du lịch và xuất khẩu. Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, tập trung chính sách hỗ trợ trồng rừng cấp chứng chỉ FSC, sản xuất giống dược liệu, chương trình OCOP; triển khai chính sách hợp tác, liên kết trong sản xuất, gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.
Phân bố và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, nhất là các ngành, lĩnh vực động lực, dẫn dắt phát triển ổn định, bền vững nền kinh tế. Đồng bộ chính sách về tài chính, ngân hàng, đầu tư, đất đai, lao động, khoa học và công nghệ,…tạo hợp lực thúc đẩy sự phát triển của hệ thống thị trường.
Bảo đảm minh bạch thông tin về thị trường quyền sử dụng đất. Xác định giá trị quyền sử dụng đất theo cơ chế thị trường thông qua đấu giá, đấu thầu các dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật; tổ chức thẩm định giá độc lập, khoa học, chuyên nghiệp. Rà soát, điều chỉnh khung giá quyền sử dụng đất phù hợp với thị trường theo từng năm. Tăng cường áp dụng phương thức cho thuê đất.
Phát triển tài sản trí tuệ gắn với thị trường khoa học công nghệ. Triển khai sàn giao dịch công nghệ; kết nối cung – cầu công nghệ, chuyển giao công nghệ và đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung ứng các loại dịch vụ công. Chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế đặt hàng; từ hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sang hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng. Bên cạnh yếu tố giá, xác định sự thỏa mãn, hài lòng của khách hàng là một yếu tố thị trường quan trọng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát huy đúng đắn, đầy đủ vai trò của người tiêu dùng, lồng ghép các hoạt động của các hội, hiệp hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
3.2. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế
– Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu hội nhập
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 7,5 – 8,5%/năm; tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 đạt 50%. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm, công nghiệp dược liệu và thiết bị y tế; phát triển mô hình kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn – kinh tế chia sẻ phù hợp với xu thế phát triển cách mạng công nghiệp 4.0.
Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ nhằm tăng nhanh giá trị nội địa và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế; trong đó, du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistic, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là đột phá; kinh tế biển là thiết yếu.
Triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tăng năng suất lao động, tăng tỷ trọng chỉ số. Thực hiện điều chỉnh phân bố không gian các ngành lĩnh vực phù hợp yêu cầu tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng khai thác, tận dụng tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh của địa phương.
– Cơ cấu lại ngành dịch vụ
+ Mục tiêu: Phát triển nhanh và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh các dịch vụ có lợi thế như: du lịch, thương mại, xuất khẩu, y tế, giáo dục, logictics,…gắn với công nghệ số.
+ Một số chỉ tiêu phân ngành dịch vụ: Tỷ trọng ngành dịch vụ trong GRDP đến năm 2025 đạt 53 – 54%.
Du lịch: Đến năm 2025, du lịch thu hút khoảng 6 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 45-50%; GRDP ngành du lịch đóng góp 10-12% GRDP của tỉnh; thời gian lưu trú bình quân đạt trên 2 ngày. Suất chi tiêu bình quân khoảng 2,2 triệu đồng/khách/ngày.
Thương mại: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đến năm 2025 ước đạt 85.000 – 90.000 tỷ đồng, bình quân tăng 12-13%/năm.
Xuất khẩu: Đến năm 2025 đạt 1,6 tỷ USD, tăng 15%/năm.
– Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp
+ Mục tiêu: Tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp, điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp phù hợp với tiềm năng, lợi thế, nguồn nhân lực và nhu cầu của thị trường. Phát triển công nghiệp – xây dựng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh và lợi thế so sánh của tỉnh.
+ Một số chỉ tiêu phân ngành công nghiệp: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 14 – 15%/năm, trong đó tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 80-85%.
– Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
+ Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản; nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
+ Một số chỉ tiêu nông nghiệp:
Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3 – 4%/năm. Trong đó: Sản lượng lương thực có hạt đạt khoảng 34 vạn tấn/năm (trong đó sản lượng lúa đạt trên 32 vạn tấn/năm); Sản lượng thủy sản đạt 70-72 ngàn tấn/năm. Đến 2025: Đàn bò: 33.000 con, gấp 1,11 lần so với năm 2020; đàn trâu ổn định khoảng 17.000 con (tương đương năm 2020); đàn lợn: 207.000 con, gấp 1,55 lần so với năm 2020; gia cầm 5.000.000 con, gấp 1,14 lần.
Đến năm 2025, có ít nhất 03/08 huyện/thị xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, có 01 huyện đạt nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 87%, trong đó có 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn toàn tỉnh đạt 66 triệu đồng/người, tăng 1,8 lần so với năm 2020.
Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 100%.
Ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 56 – 57%.
– Phát triển vùng miền: kinh tế biển, đầm phá và miền núi
+ Mục tiêu: Tập trung huy động và lồng ghép các nguồn lực phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái kết hợp với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch biển, năng lượng tái tạo; gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
+ Một số chỉ tiêu chủ yếu:
Khách du lịch qua đường biển đến năm 2025 khoảng 400 nghìn du khách.
Phát triển Khu bến Chân Mây có bến chuyên dùng phục vụ công nghiệp đóng sửa tàu biển, bến phục vụ khách du lịch quốc tế, tiếp nhận tàu hàng trọng tải từ 30.000 tấn đến 50.000 tấn, tàu khách đến 100.000 GT và lớn hơn.
Khu bến Thuận An là bến tổng hợp địa phương vệ tinh, tiếp nhận tàu 3.000 tấn đến 5.000 tấn; phát triển cảng chuyên dụng xăng dầu Thuận An tiếp nhận tàu 2.000 tấn.
4. Một số chỉ tiêu chủ yếu
* Về phát triển Khu kinh tế:
– Phấn đấu thu hút bình quân 5-8 dự án/năm với vốn đầu tư đăng ký bình quân 4.000-5.000 tỷ đồng/năm;
– Vốn đầu tư thực hiện bình quân 6.000-7.000 tỷ đồng/năm, tăng gấp trên 3 lần so giai đoạn trước;
– Đến năm 2025, tỷ lệ lấp đầy Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đạt từ 50% trở lên.
* Về phát triển khu công nghiệp:
– Phấn đấu thu hút bình quân 10-15 dự án/năm với vốn đầu tư đăng ký bình quân 3.500-4.000 tỷ đồng/năm, tăng bình quân 10%/năm.
– Vốn đầu tư thực hiện 3.500-4.000 tỷ đồng/năm, gấp 2-2,5 lần giai đoạn trước.
– Đến năm 2025, tỷ lệ lấp đầy các KCN: KCN Phú Bài giai đoạn IV đợt 1 đạt trên 20%, KCN Phong Điền đạt trên 50%, Khu công nghiệp, phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây đạt trên 25%; các KCN: Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa đạt trên 50%.
– Giá trị kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 1,2 tỷ USD, bằng 75-80% so kinh ngạch toàn tỉnh.
– Phấn đấu thu hút được nhà đầu tư hạ tầng vào KCN Phú Đa, Quảng Vinh.
– 100% các KCN có nhà đầu tư hạ tầng được đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải tập trung.
* Về phát triển cụm công nghiệp: Phấn đấu tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp trên địa bàn đến năm 2025 đạt khoảng 70%; có 03 cụm công nghiệp được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, có công trình xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn.
5. Giải pháp
5.1. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch, dịch vụ ở khu vực thị trấn Lăng Cô; triển khai công tác đầu tư xây dựng tuyến phố đi bộ đường Nguyễn Văn nhằm tạo điểm nhấn, sức lan tỏa để phát triển dịch vụ du lịch cho cả Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.
Đôn đốc các nhà đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các khu công nghiệp Phú Bài, Phong Điền, La Sơn, Tứ Hạ. Xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng vào các khu công nghiệp: KCN Phú Đa, Quảng Vinh và KCN trong Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; cụm công nghiệp; huy động nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu (nhà máy xử lý nước thải tập trung,…) KCN, CCN.
Hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, quy mô lớn như: dự án Laguna Lăng Cô giai đoạn 2, dự án Khu Du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô, dự án Bến số 2 – Cảng Chân Mây, dự án Bến số 3 – Cảng Chân Mây, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Gilimex, dự án hạ tầng Khu công nghiệp – Khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây, Dự án Khu phức hợp du lịch dịch vụ Đăng Kim Long,…
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo có mặt bằng sạch để đón nhà đầu tư; đẩy mạnh khai thác chế biến cát thành sản phẩm kính, thủy tinh cao cấp để tham gia vào chuỗi cung cấp vật liệu xây dựng cao cấp trong khu vực Đông Nam Á. Tiếp tục rà soát và kiên quyết thu hồi các dự án đầu tư không có khả năng triển khai, chậm triển khai tạo môi trường đầu tư, cơ hội cho các nhà đầu tư có năng lực thực sự đầu tư.
5. 2. Xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị
a) Mục tiêu: Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển đô thị, nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu; gắn công tác quy hoạch đô thị với bố trí nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị và chỉnh trang đô thị.
b) Một số chỉ tiêu:
– Tỷ lệ đô thị hóa đạt 62 – 65%.
– 100% dân số sử dụng nước sạch.
– Tỷ lệ nhà kiên cố đạt 75%.
– Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt của đô thị, khu công nghiệp được thu gom và xử lý đạt trên 90%; 100% chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
c) Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
Phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh theo kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, thành phố Huế mở rộng đạt chuẩn đô thị loại I; xây dựng huyện Phong Điền đạt chuẩn đô thị loại IV, đô thị Chân Mây đạt tiêu chí đô thị loại III; nâng cấp và hình thành các đô thị mới: Lộc Thủy, Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, Vinh Hiền, Vinh Hưng, Vinh Thanh, Vinh Xuân, Thanh Hà, Phú Mỹ, Phong An, Điền Lộc đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.
Hoàn thành Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng phát triển khung hạ tầng, phát triển đô thị như: Tuyến đường bộ ven biển, Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương, Đường vành đai 3, Đường Mỹ An – Thuận An, Đê chắn sóng cảng Chân Mây – giai đoạn 2, Hạ tầng Khu đô thị mới Thuận An, Hạ tầng kỹ thuật khung đi qua khu đô thị mới Mỹ Thượng; hạ tầng các xã lên phường theo chương trình phát triển đô thị của tỉnh. Hoàn thiện hạ tầng đô thị thành phố Huế; ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Phong Điền, nâng cấp đô thị thị xã Hương Trà và Hương Thuỷ theo định hướng phát triển của Tỉnh.
Triển khai lập và thực hiện Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế. Tiếp tục đầu tư xây dựng các khu đô thị kiểu mẫu; đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại hạ tầng cấp điện, nước, chiếu sáng, viễn thông, thoát nước, xử lý nước thải…phục vụ tốt dân sinh và chức năng đô thị hiện đại, thông minh.
Tiếp tục rà soát, cơ cấu lại quy hoạch sử dụng đất và quy chuẩn các công trình xây dựng theo hướng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, đa chức năng; quy hoạch không gian phát triển (trên mặt đất, dưới mặt đất, trên mặt nước, dưới mặt nước); thu hút mạnh mẽ sự tham gia của người dân, nhà khoa học và doanh nghiệp trong quá trình rà soát, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch. Xây dựng và quản lý thực hiện tốt các quy hoạch 1/5.000, 1/2.000 trên địa bàn.
Tập trung xây dựng một số kết cấu hạ tầng khác: Đầu tư xây dựng mở rộng Nhà máy nước Vạn Niên công suất 120.000m3/ng.đ; Xây dựng Nhà máy nước Hương Vân công suất 30.000m3/ng.đ; Nhà máy nước Lộc Bổn công suất 30.000m3/ng.đ. Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung phía Nam tại Phú Sơn, thị xã Hương Thủy và phía Bắc tại xã Hương Bình, thị xã Hương Trà. Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải khu vực Bắc Sông Hương công suất 130.000m3/ng.đ. Xây dựng mới nghĩa trang nhân dân phía Nam (tại thị xã Hương Thủy) và phía Bắc (tại thị xã Hương Trà); đầu tư hệ thống điện chiếu sáng dọc Quốc lộ 1A và tuyến đường tránh phía Tây thành phố Huế.
6. Huy động có hiệu quả các nguồn lực cho mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế nhằm đạt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Hoàn thành các công trình trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, nâng cấp hạ tầng kết nối giữa các vùng, miền trong tỉnh và các tỉnh vùng duyên hải miền Trung và kết cấu hạ tầng đô thị. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế – xã hội, nhất là kinh tế tư nhân cho phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đảm bảo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội và điều chỉnh tiền lương.
– HẾT-