TỔNG QUAN VỀ TỈNH QUẢNG BÌNH
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN- XÃ HỘI
1. Vị trí địa lý
Toạ độ địa lý ở phần đất liền là
Điểm cực Bắc: 18 độ 05 phút vĩ độ Bắc
Điểm cực Nam: 17 độ 05 phút vĩ độ Bắc
Điểm cực Đông: 106 độ 59 phút kinh độ Đông
Điểm cực Tây: 105 độ 36 phút kinh độ Đông
Tỉnh có bờ biển dài hơn 116 km ở phía Đông và có chung biên giới với Lào gần 202 km ở phía Tây, có cảng Hòn La, cảng Hàng không Đồng Hơi, Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc Nam, quốc lộ 12 và tỉnh lộ 20, 16 chạy từ Đông sang Tây qua cửa khẩu Quốc tế Cha Lo và một số cửa khẩu phụ khác nối liền với nước CHDCND Lào.
2. Địa hình
Địa hình Quảng Bình hẹp và dốc từ phía Tây sang phía Đông. 85% Tổng diện tích tự nhiên là đồi núi. Toàn bộ diện tích được chia thành vùng sinh thái cơ bản: Vùng núi cao, vùng đồi và trung du, vùng đồng bằng, vùng cát ven biển.
3. Khí hậu
Quảng Bình nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa và luôn bị tác động bởi khí hậu của phía Bắc và phía Nam và được chia làm hai mùa rõ rệt
+ Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.500 – 2.000 mm/năm. Thời gian mưa tập trung vào các tháng 9, 10 và 11.
+ Mùa khô từ tháng 4 đến tháng 8 với nhiệt độ trung bình 24oC – 25oC. Ba tháng có nhiệt độ cao nhất là tháng 6, 7 và 8.
4. Tài nguyên thiên nhiên
– Tài nguyên đất: Tài nguyên đất được chia thành hai hệ chính: Đất phù sa ở vùng đồng bằng và hệ pheralit ở vùng đồi và núi với 15 loại và các nhóm chính như sau: nhóm đất cát, đất phù sa và nhóm đất đỏ vàng. Trong đó nhóm đất đỏ vàng chiếm hơn 80% diện tích tự nhiên, chủ yếu ở địa hình đồi núi phía Tây, đất cát chiếm 5,9% và đất phù sa chiếm 2,8% diện tích.
– Tài nguyên động, thực vật: Quảng Bình nằm trong khu vực đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn – nơi có khu hệ thực vật, động vật đa dạng, độc đáo với nhiều nguồn gen quý hiếm. Đặc trưng cho đa dạng sinh học ở Quảng Bình là vùng Karst Phong Nha – Kẻ Bàng.
– Về động vật có: 493 loài, 67 loài thú, 48 loài bò sát, 297 loài chim, 61 loài cá… có nhiều loài quý hiếm như Voọc Hà Tĩnh, Gấu, Hổ, Sao La, Mang Lớn, Gà Lôi lam đuôi trắng, Gà Lôi lam mào đen, Trĩ…
– Về đa dạng thực vật: Với diện tích rừng 486.688 ha, trong đó rừng tự nhiên 447.837 ha, rừng trồng 38.851 ha, trong đó có 17.397 ha rừng thông, diện tích không có rừng 146.386 ha. Thực vật ở Quảng Bình đa dạng về giống loài: có 138 họ, 401 chi, 640 loài khác nhau. Rừng Quảng Bình có nhiều loại gỗ quý như lim, gụ, mun, huỵnh, thông và nhiều loại mây tre, lâm sản quý khác. Quảng Bình là một trong những tỉnh có trữ lượng gỗ cao trong toàn quốc. Hiện nay trữ lượng gỗ là 31 triệu m3.
– Tài nguyên biển và ven biển: Quảng Bình có bờ biển dài hơn 116 km với 5 cửa sông, trong đó có hai cửa sông lớn, có cảng Nhật Lệ, cảng Gianh, cảng Hòn La, Vịnh Hòn La có diện tích mặt nước 4 km2, có độ sâu trên 15 mét và xung quanh có các đảo che chắn: Hòn La, Hòn Cọ, Hòn Chùa có thể cho phép tàu 3-5 vạn tấn vào cảng mà không cần nạo vét. Trên đất liền có diện tích khá rộng (trên 400 ha) thuận lợi cho việc xây dựng khu công nghiệp gắn với cảng biển nước sâu.
Bờ biển có nhiều thắng cảnh đẹp, cùng với thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền tạo cho Quảng Bình có một ngư trường rộng lớn với trữ lượng khoảng 10 vạn tấn và phong phú về loài (1650 loài), trong đó có những loại quý hiếm như tôm hùm, tôm sú, mực ống, mực nang, san hô. Phía Bắc Quảng Bình có bãi san hô trắng với diện tích hàng chục ha, đó là nguồn nguyên liệu quý cho sản xuất hàng mỹ nghệ và tạo ra vùng sinh thái của hệ san hô. Điều đó cho phép phát triển nền kinh tế tổng hợp vùng ven biển.
– Mặt nước nuôi trồng thuỷ sản: Với 5 cửa sông, Quảng Bình có vùng mặt nước có khả năng nuôi trồng thuỷ sản khá lớn. Tổng diện tích 15.000 ha. Độ mặn ở vùng mặt nước từ cửa sông vào sâu khoảng 10-15km giao động từ 8-30%o và độ pH từ 6,5- 8 rất thuận lợi cho nuôi tôm cua xuất khẩu. Chế độ bán nhật triều vùng ven biển thuận lợi cho việc cấp thoát nước cho các ao nuôi tôm cua.
– Tài nguyên nước: Quảng Bình có hệ thống sông suối khá lớn với mật độ 0,8 – 1,1 km/km2. Có năm sông chính là sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hoà, sông Dinh và sông Nhật Lệ. Có khoảng 160 hồ tự nhiên và nhân tạo với dung tích ước tính 243,3 triệu m3.
– Tài nguyên khoáng sản: Quảng Bình có nhiều loại khoáng sản như vàng, sắt, titan, pyrit, chì, kẽm… và một số khoáng sản phi kim loại như cao lanh, cát thạch anh, đá vôi, đá mable, đá granit… Trong đó, đá vôi và cao lanh có trữ lượng lớn, đủ điều kiện để phát triển công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng với quy mô lớn. Có suối nước khoáng nóng 105oC. Trữ lượng vàng tại Quảng Bình có khả năng để phát triển công nghiệp khai thác và chế tác vàng.
5. Dân cư
Theo tổng điều tra dân số tính đến ngay 1 tháng 4 năm 2019, dân số Quảng Bình đạt 895.430 người. Trên địa bàn tỉnh có 24 dân tộc anh em cùng sinh sống, nhưng chủ yếu là người Kinh, khoảng 97%. Dân tộc ít người thuộc hai nhóm chính là Chứt và Bru-Vân Kiều gồm những tộc người chính là: Khùa, Mã Liềng, Rục, Sách, Vân Kiều, Mày, Arem, v.v… sống tập trung ở hai huyện miền núi Tuyên Hóa và Minh Hóa và một số xã miền Tây Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy. Dân cư phân bố không đều, 79% sống ở vùng nông thôn và 21% sống ở thành thị.
7. Cơ sở hạ tầng
– Giao thông
Quảng Bình có các tuyến giao thông huyết mạch quan trọng Bắc – Nam Việt Nam chạy qua: Quốc lộ 1A, Đường Hồ Chí Minh, Đường sắt Bắc – Nam. Ngoài ra, tỉnh còn có giao thông hàng hải (cảng Hòn La, cảng Gianh) và hàng không (sân bay Đồng Hới).
Đi theo chiều ngang của tỉnh có Quốc lộ 12A nối biển Đông qua Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo với Lào, từ cảng biển Hòn La, qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo, qua cầu Hữu nghị 3 qua sông Mê Kông nối với Thái Lan, Myanmar và các nước Nam Á chỉ với khoảng 350 km, đây là con đường ngắn nhất nối biển Đông Việt Nam với các nước Trung Á. Nằm trong hành lang kinh tế Đông – Tây, Quảng Bình sẽ trở thành tỉnh có đầu mối quan trọng thông thương ra khu vực và thế giới về giao lưu buôn bán, hợp tác phát triển và là cửa ngõ kinh tế phía Đông của cả vùng Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanma – một vùng có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển.
– Mạng lưới viễn thông, thông tin liên lạc thông suốt trong nước và quốc tế, mạng điện thoại di động đã phủ sóng toàn tỉnh.
– Hệ thống điện lưới quốc gia 220KV và 110KV đồng bộ đảm bảo cung ứng năng lượng cho các khu công nghiệp và đô thị.
– Hệ thống cấp nước sinh hoạt theo tiêu chuẩn quốc gia được lắp đặt tới hàng rào các dự án và các khu công nghiệp
– Hệ thống ngân hàng đáp ứng mọi quan hệ giao dịch và nhu cầu thanh toán. Các hoạt động ngoại hối, giao dịch ngoại tệ, thanh toán quốc tế không ngừng phát triển và mở rộng.
– Cơ sở hạ tầng thương mại và du lịch được tập trung đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng; hệ thống khách sạn đạt chuẩn sao như: Sun spa Resort, Sài Gòn Quảng Bình; khách sạn Mường Thanh, Bảo Ninh Beach Resort…
– Y tế: Những năm gần đây, ngành Y tế tỉnh Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào trên các lĩnh vực công tác. Chất lượng khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh cho người dân ngày càng được nâng cao. Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được củng cố, hoàn thiện…Trên địa bàn có 01 bệnh viện hạng I do Bộ Y tế quản lý với quy mô trên 500 giường bệnh đó là Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Nam – Cu Ba và hệ thống các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, khu vực có quy mô từ 100-150 giường trở lên: Bệnh Viện Đa Khoa Đồng Hới, Bệnh Viện Đa Khoa Bắc Quảng Bình… Hệ thống trạm y tế phủ kín các xã, phường, thị trấn đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe, khám và chữa bệnh kịp thời.
II. TIỀM NĂNG VÀ LỢI THẾ PHÁT TRIỂN CỦA TỈNH
1. Văn hoá và tiềm năng du lịch
Dải đất Quảng Bình như một bức tranh hoành tráng, có rừng, có biển với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, thắng cảnh nổi tiếng: đèo Ngang, đèo Lý Hoà, cửa biển Nhật Lệ, phá Hạc Hải, Cổng Trời… và Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới.
Quảng Bình là vùng đất văn vật, có di chỉ văn hoá Bàu Tró, các di chỉ thuộc nền văn hoá Hoà Bình và Đông Sơn, nhiều di tích lịch sử như: Quảng Bình Quan, Luỹ Thầy, Rào Sen, Thành Nhà Ngo, thành quách của thời Trịnh – Nguyễn, nhiều địa danh nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc như Cự Nẫm, Cảnh Dương, Cha Lo, Cổng Trời, Xuân Sơn, Long Đại, đường Hồ Chí Minh v.v… Trong quá trình lịch sử, đã hình thành nhiều làng văn hoá nổi tiếng và được truyền tụng từ đời này sang đời khác như “Bát danh hương”: “Sơn- Hà- Cảnh – Thổ- Văn- Võ- Cổ – Kim”. Nhiều danh nhân tiền bối học rộng, đỗ cao và nổi tiếng xưa và nay trên nhiều lĩnh vực quân sự, văn hoă – xã hội như Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Hàm Ninh, Hoàng Kế Viêm, Võ Nguyên Giáp…
Quảng Bình nằm ở Miền Trung Việt Nam, nơi hội tụ giữa các yếu tố tự nhiên và văn hóa của cả hai miền Nam – Bắc, đã có bề dày truyền thống lịch sử – văn hóa lâu đời, kết tinh nhiều giá trị văn hóa khá phong phú, kho tàng văn hoá văn nghệ dân gian độc đáo như hò khoan Lệ Thủy, hò thuốc Minh Hóa, hò hẻ Cảnh Dương…
Dải đất Quảng Bình nổi tiếng có phong cảnh thật kỳ vĩ, sơn thuỷ hữu tình hội đủ đặc trưng của các loại địa hình đồng bằng, rừng núi, sông biển, hải đảo với nhiều Yến, bãi Đá Nhảy, biển Nhật Lệ … Đặc biệt là Vườn quốc gia Phong Nha Kẽ Bàng được Unesco công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Khu vực Phong Nha Kẽ Bàng có hệ thống hang động kỳ vĩ được mệnh danh là “Vương cảnh quan thiên nhiên đẹp, thắng cảnh nổi tiếng: đèo Ngang, Vũng Chùa Đảo quốc hang động” nơi tiềm ẩn nhiều điều bí ẩn và hấp dẫn như động Phong Nha, động Tiên Sơn, Hang Tối, Động Thiên Đường…, trong đó nổi bật nhất là Hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất Thế giới (được tạp chí Business Insider xếp vào danh sách 12 hang động kỳ vĩ nhất thế giới). Đây là tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành du lịch Quảng Bình. Ngoài ra, Quảng Bình còn có súi nước nóng Bang có nhiệt độ sôi tự nhiên lên đến 105°C, chất lượng khoáng tốt, có thể sản xuất nước giải khát cao cấp và xây dựng trở thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và chữa bệnh lý tưởng
Quảng Bình là vùng đất văn vật, có di chỉ văn hoá Bàu Tró, các di chỉ thuộc nền văn hoá Hoà Bình và Đông Sơn, nhiều di tích lịch sử văn hóa giá trị như: Quảng Bình Quan, Luỹ Thầy, Rào Sen, Thành Nhà Ngo, Chùa Hoằng Phúc, Hoành Sơn Quan … nhiều địa danh nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc như Cự Nẫm, Cảnh Dương, Cha Lo, Cổng Trời, hệ thống di tích lịch sử A.T.P (cua chữ A, ngầm Talê, đèo Pu La Nhích) trên đường 20 quyết thắng, Xuân Sơn, Hang Tám Cô, Long Đại, đường Hồ Chí Minh v.v… Trong quá trình lịch sử, đã hình thành nhiều làng văn hoá nổi tiếng và được truyền tụng từ đời này sang đời khác như “Bát danh hương”: “Sơn- Hà- Cảnh – Thổ- Văn- Võ- Cổ – Kim”.
2. Về tài nguyên rừng, đất rừng:
Với hơn 632.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm 78,5% đất tự nhiên; trong đó: có hơn 310.000 ha rừng sản xuất, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 70%. Quảng Bình được đánh giá là một trong những tỉnh còn có trữ lượng rừng lớn nhất Việt Nam (với trữ lượng gỗ khoảng 32,3 triệu m3, trong đó: Trữ lượng gỗ rừng kinh tế 14,85 triệu m3). Quảng Bình có lợi thế về trồng rừng sản xuất và chế biến gỗ và các sản phẩm từ rừng.
3. Về khai thác, chế biến vật liệu xây dựng, năng lượng điện:
Quảng Bình có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú và đa dạng. Đặc biệt có trữ lượng đá vôi (khoảng 5,4 tỷ tấn) và cát thạch anh trắng (30 triệu m3), đây là tiềm năng mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Quảng Bình cũng là nơi có tiềm năng phát triển về năng lượng điện bao gồm nhiệt điện và phong điện: Quảng Bình được Chính phủ đưa vào quy hoạch để đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện công suất 2.400 – 3.000 KW tại Khu kinh tế Hòn La.
Nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng phát triển là: Phong điện và nhiệt điện. Theo khảo sát sơ bộ, tốc độ gió dọc bờ biển Quảng Bình có thể xây dựng hệ thống phong điện với tổng công suất từ 600 – 1.000 MW.
4. Về tiềm năng thủy hải sản
Nguồn lợi thủy, hải sản khá lớn (60.000 tấn/năm) chưa tính sản lượng thủy sản nuôi trồng, là điều kiện tốt để các nhà đầu tư xây dựng cơ sở nuôi trồng và nhà máy chế biến các sản phầm từ thủy, hải sản.
5. Về nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực của tỉnh khá dồi dào, lao động trong độ tuổi chiếm 64,47% tổng dân số (dân số hơn 860.000 người). Tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng cao. Điểm mạnh của nguồn nhân lực Quảng Bình là thông minh, cần cù, chịu khó, ham học hỏi và cầu tiến. Tỉnh có 01 trường Đại học với quy mô đào tạo 2.050 sinh viên/năm, ngoài ra còn có nhiều cơ sở đào tạo nghề và trung học chuyên nghiệp (03 trường Trung học chuyên nghiệp, 02 trường Trung cấp nghề, các Trung tâm dạy nghề của các đơn vị như: Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… và 06 Trung tâm dạy nghề cấp huyện), hàng năm đào tạo được khoảng 11 – 12 ngàn lao động thuộc nhiêu ngành nghề khác nhau. Giá nhân công rẻ hơn nhiều so với trong nước và khu vực.
6. Về cơ sở hạ tầng
– Mạng lưới viễn thông, thông tin liên lạc thông suốt trong nước và quốc tế, mạng điện thoại di động đã phủ sóng toàn tỉnh.
– Hệ thống điện lưới Quốc gia 220KV và 110KV đồng bộ đảm bảo cung ứng năng lượng cho các KCN và đô thị.
– Hệ thống cấp nước sinh hoạt theo tiêu chuẩn Quốc gia được lắp đặt tới hàng rào các dự án và các khu CN.
– Hệ thống ngân hàng đáp ứng mọi quan hệ giao dịch và nhu cầu thanh toán. Các hoạt động ngoại hối, giao dịch ngoại tệ, thanh toán quốc tế không ngừng phát triển và mở rộng.
– Cơ sở hạ tầng thương mại và du lịch được tập trung đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng bao gồm hạ tầng khu du lịch: Phong Nha – Kẻ Bàng, Vũng Chùa – Đảo Yến; Mỹ Cảnh – Bảo Ninh; hệ thống khách sạn 3 – 4 sao như: Sunspa Resort, Sài Gòn – Quảng Bình, Tân Bình…
– Y tế: Trên địa bàn có 01 bệnh viện hạng I do Bộ Y tế quản lý và hệ thống bệnh viện đa khoa khu vực có quy mô từ 100 – 150 giường trở lên. Hệ thống trạm y tế phủ kín các xã, phường, thị trấn đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe, khám và chữa bệnh kịp thời.
7. Khu kinh tế, khu công nghiệp
– Khu kinh tế: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 02 khu kinh tế (Khu kinh tế cảng biển Hòn La và Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo), trong đó:
+ Khu kinh tế cảng biển Hòn La nằm ở phía Bắc tỉnh Quảng Bình với diện tích 10.000 ha, trong đó phần đảo 1.100 ha. Ngoài chức năng xây dựng và kinh doanh khu phi thuế quan, Khu kinh tế cảng biển Hòn La còn đóng vai trò quan trọng trong việc cùng với Quốc lộ 1A, 12A, Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, Cầu Treo, Lao Bảo tạo thành cửa ngõ thông thương phía Đông của cả vùng Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông. Hiện tại, Cảng Hòn La cho phép tàu 15.000 tấn ra vào, có thể nâng cấp để tiếp nhận tàu 30 – 50 vạn tấn ra vào.
+ Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo: Hiện nay, tỉnh đang tập trung đầu tư Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo với diện tích 538 km2 nhằm phát triển Khu kinh tế Cha Lo trở thành Trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh, là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất, nhập hàng hóa và dịch vụ cho toàn khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng Mê Kông.
– Khu công nghiệp: Theo quy hoạch từ nay đến năm 2020, tỉnh Quảng Bình sẽ phát triển 08 KCN với quy mô diện tích khoảng 2.000 ha được phân bổ trên các huyện, thành phố, trong đó, 03 KCN đã được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ là KCN Tây Bắc Đồng Hới, KCN Bắc Đồng Hới và KCN cảng biển Hòn La.
Vùng phía Nam của tỉnh có diện tích đất cát ven biển rộng lớn, chưa sử dụng, cách bờ biển 500 m, có độ sâu 17 m và cách bờ biển 1000 m, có độ sâu 25 m không bị bồi lắng là điều kiện xây dựng cảng nước sâu cho tàu 200.000 – 300.000 tấn ra vào cùng với KCN có diện tích từ 2.000 – 3.000 ha.
8. Về môi trường đầu tư kinh doanh
Quảng Bình được đánh giá là một trong những tỉnh có môi trường đầu tư kinh doanh tốt của Việt Nam, có thủ tục hành chính nhanh gọn theo cơ chế một đầu mối; nhà đầu tư đến Quảng Bình với một đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Về các ưu đãi đầu tư: Trong cơ chế ưu đãi chung của Chính phủ Việt Nam, tỉnh Quảng Bình cho áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung ưu đãi, ngoài ra còn có Chính sách hỗ trợ và ưu đãi khác đối với các dự án, các lĩnh vực mà tỉnh khuyến khích đầu tư như: Hỗ trợ đền bù GPMB, hỗ trợ đào tạo lao động, hỗ trợ xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào đối với các dự án ngoài KCN, khu chiết xuất. Tình hình an ninh chính trật, trật tự an toàn xã hội của tỉnh ổn định tạo sự yên tâm, tin tưởng cho nhà đầu tư đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại tỉnh. Quảng Bình hiện đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay, tổng số dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh là 267 dự án, với số vốn đăng ký gần 100.000 tỷ đồng, trong đó, số dự án tỉnh đã chấp nhận chủ trương và thực hiện đầu tư là 158 dự án, với số vốn đăng ký đầu tư là 78.900 tỷ đồng.
III. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI 5 NĂM ( 2021-2025)
Quảng Bình đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế bền vững
Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 xây dựng trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn giai đoạn trước; cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ và rộng rãi đến mọi mặt của đời sống; các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về cả tác động và cường độ; dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự suy thoái của nền kinh tế chung…
Trong nước và trong tỉnh, quy mô và sức cạnh tranh kinh tế được nâng cao hơn trước; tình hình chính trị – xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên,… Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021-2025, kinh tế nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới làm tăng sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp, các sản phẩm trong tỉnh, trong nước; tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tình hình biển Đông, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… ngày càng tác động tiêu cực, ảnh hưởng nặng nề.
Tỉnh sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức như: Quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng, nguồn nhân lực, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp. Tình hình phát triển một số lĩnh vực chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Cơ cấu lại các ngành đòi hỏi nguồn lực lớn; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội chưa đáp ứng nhu cầu. Doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế cả về vốn, công nghệ và năng lực quản trị.
Trong bối cảnh đó, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương nghiên cứu, xác định các vấn đề cơ bản của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:
– Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh bình quân 5 năm 2021-2025 tăng khoảng 8-8,5%, đối với các sở, ban, ngành và địa phương, căn cứ tình hình thực tế xây dựng tốc độ tăng trưởng của ngành, lĩnh vực và địa phương xây dựng phương án tăng trưởng hợp lý và phù hợp
– Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển nền kinh tế số; cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo; khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau thiên tai, dịch bệnh; mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng.
– Thúc đẩy phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt; phát triển các mô hình kinh tế xanh, các vùng nguyên vật liệu yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh; phát triển kinh tế biển.
– Khai thác và phát huy lợi thế, thế mạnh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt chú trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
– Phát triển nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương, áp dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở đảm bảo an ninh lượng thực và hiệu quả kinh tế. Gắn mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, nâng cao dân trí và từng bước cải thiện đời sống nhân dân.
– Phát triển mạnh các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ, thiết bị hiện đại thân thiện môi trường; tạo bước tiến rõ nét về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của một số ngành và sản phẩm công nghiệp chủ yếu.
– Phát triển mạnh các ngành dịch vụ giá trị cao, các ngành vận tải, thương mại; mở rộng và nâng cao sức mua của thị trường nội địa; đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, xây dựng vững chắc thương hiệu du lịch Quảng Bình.
– Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ như giao thông vận tải, cảng biển, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông, đô thị, nông nghiệp,…; phát triển đô thị phù hợp với xu hướng đô thị thông minh, xanh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung nâng cao chất lượng đô thị. Triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia.
– Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế để phát triển các mô hình kinh tế mới có ứng dụng công nghệ số. Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công và sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các công trình trọng điểm của tỉnh.
– Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kĩ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế…
* QUẢNG BÌNH CHÚ TRỌNG ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN
Là tỉnh ven biển Miền Trung với đường bờ biển dài, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại, Quảng Bình hội tụ đầy đủ các tiềm năng để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.
Triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, đặc biệt là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Bình đã ban hành cơ bản đồng bộ các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện với nhiều bước đột phá quan trọng nhằm khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển.
Với mục tiêu sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Bình tiếp tục xác định phát triển bền vững kinh tế biển, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trọng tâm là phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, như: Du lịch, dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng, khai thác hải sản; hậu cần nghề cá; khai thác khoáng sản biển; năng lượng tái tạo; kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới, gắn với hình thành văn hóa sinh thái biển; cải thiện sinh kế bền vững và nâng cao đời sống người dân vùng biển. Thu hút đầu tư hạ tầng, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ven biển.
Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của một tỉnh ven biển, Quảng Bình quy hoạch phát triển vùng ven biển thành 3 vùng:
– Vùng biển và ven biển phía Bắc (từ Đèo Ngang đến Bắc sông Gianh) sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, thương mại, dịch vụ; phát triển vùng kinh tế động lực Khu kinh tế Hòn La. Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển, phát triển dịch vụ vận tải biển, chuỗi cung ứng logistics, công nghiệp năng lượng sạch (điện gió ngoài khơi). Ngoài ra, tập trung phát triển nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, giúp ngư dân yên tâm bám biển khai thác nguồn lợi thủy, hải sản.
– Vùng biển và ven biển trung tâm (từ Nam sông Gianh đến xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh): Tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển các khu đô thị ven biển, trung tâm thương mại, các khu du lịch vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch biển cao cấp ở vùng Đá Nhảy, Nhật Lệ – Quang Phú, Bảo Ninh, Hải Ninh.
– Vùng biển và ven biển phía Nam (từ Nam xã Hải Ninh đến Hạ Cờ, giáp tỉnh Quảng Trị): Xây dựng vùng kinh tế tổng hợp, các khu chức năng đặc thù đa ngành, đa chức năng, đa lĩnh vực, bao gồm: Du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng; dịch vụ du lịch; các khu dân cư đô thị, nông thôn; trung tâm công cộng, các khu sản xuất nông nghiệp, rừng phòng hộ ven biển. Tập trung phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo ven biển và trên biển.
Chính nhờ những định hướng đúng đắn và giải pháp cụ thể, những năm qua, Quảng Bình đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế biển:
Du lịch và dịch vụ biển: Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Quảng Bình tiếp tục lựa chọn đẩy mạnh phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó du lịch biển vẫn là động lực tăng trưởng chính. Thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển giai đoạn 2021 – 2025, Quảng Bình đã và đang mời gọi đầu tư vào các điểm du lịch biển nổi tiếng, như: Bảo Ninh, Nhật Lệ, Quang Phú, Đá Nhảy; khu vực ven biển từ xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) đến xã Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy). Cùng với phát triển các dịch vụ thể thao trên biển, hình thành các khu ẩm thực theo mô hình chợ đặc sản, hàng lưu niệm mang thương hiệu Quảng Bình, tỉnh tập trung tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề, trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng,…
Tỉnh đã quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm triển khai, hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác các dự án đầu tư về cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, đặc biệt là các dự án trọng điểm du lịch vùng ven biển tạo sự phát triển bứt phá, như: Quần thể Resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC; Trung tâm thương mại Vincom, Khách sạn Melia – Vinpearl của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup, Khu đô thị du lịch quốc tế Regal Legend của Công ty Đất Xanh Miền Trung; sân golf Bảo Ninh – Hải Ninh, Khu du lịch và nhà ở sinh thái Sunspa – Đảo Yến của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh,… ngày càng đáp ứng được nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của du khách, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh và từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Về công nghiệp ven biển: Khu Kinh tế Hòn La được xác định là trung tâm động lực kết nối phát triển vùng, trong đó, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I đã khởi công, với tổng mức đầu tư trên 41.000 tỷ đồng. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần đáng kể tăng nguồn thu ngân sách tỉnh, tạo thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và việc làm ổn định cho lao động địa phương (nhất là lao động có trình độ cao), thay đổi diện mạo, đời sống của cư dân ven biển.
Các dự án Nhà máy điện mặt trời 49.5MWp Dohwa Lệ Thủy, Trang trại điện gió B&T tại xã Hải Ninh đã hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh, đóng góp vào ngân sách tỉnh hơn 150 tỷ đồng/năm.
Về nuôi trồng và khai thác hải sản: Là địa phương có đội tàu cá thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, với khoảng 6.800 tàu cá; nuôi trồng, khai thác thủy sản đóng vai trò quan trọng và là hướng đi hiệu quả trong những năm qua. Để bảo đảm tính bền vững, tỉnh đang tích cực chỉ đạo chuyển từ nuôi trồng, khai thác truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; tổ chức lại hoạt động theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với thực hiện tốt các quy định để chung tay cùng cả nước “gỡ thẻ vàng IUU”, là nhiệm vụ cần thiết để khai thác thủy sản bền vững; khẳng định thương hiệu thủy sản Quảng Bình và Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đời sống Nhân dân các địa phương ven biển tiếp tục cải thiện, đồng thuận, đoàn kết, vững tin sản xuất và chung tay giữ vững chủ quyền biển đảo.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất thủy sản theo mô hình Tổ hợp tác, Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá; hỗ trợ xây dựng một số doanh nghiệp đủ mạnh tham gia khai thác xa bờ; đầu tư xây dựng mới và nâng cấp cảng cá, bến cá, các khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá,…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng từng bước phát triển kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới; đầu tư, khai thác hiệu quả các cảng biển, cảng chuyên dụng gắn với dịch vụ hỗ trợ; ưu tiên hoàn thiện hạ tầng logistics và hệ thống giao thông kết nối cảng biển Hòn La với các tỉnh, quốc gia trong khu vực. Đồng thời, tập trung xây dựng đội tàu vận tải sông, biển, từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng hàng hải quốc tế; thí điểm các tuyến cảng vận tải và đón khách du lịch trên biển (ra các đảo, các điểm du lịch dọc bờ biển,…).
Để thúc đẩy kinh tế biển phát triển, Quảng Bình cũng đã chú trọng thu hút các nguồn lực để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, như: cảng biển, sân bay, đường cao tốc, đường ven biển…; phát triển hệ thống đô thị ven biển theo hướng đồng bộ, hiện đại, theo tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh. Hiện nay, các dự án hạ tầng quan trọng đã và đang triển khai, như: Đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình, Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; Hệ thống đường ngang kết nối đường ven biển và kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp mới; Cảng Hàng không Đồng Hới đang được đầu tư mở rộng, được Chính phủ xem xét để nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế… sẽ là động lực để tỉnh tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là khai thác tiềm năng của tỉnh ven biển.
Một trong những thước đo về hiệu quả của chiến lược phát triển kinh tế biển là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân vùng ven biển và lao động trên biển. Cùng với nhiều giải pháp chăm lo đời sống Nhân dân, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư ven biển; tỉnh đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức về biển cho Nhân dân, để mỗi cá nhân và toàn xã hội phát huy tối đa năng lực, tinh thần trách nhiệm, tình yêu quê hương, chung tay khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, bảo vệ môi trường, giữ vững toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia trên biển.
Trong những năm tới, Quảng Bình tiếp tục thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực phát triển kinh tế biển đi kèm với các chính sách ưu đãi, thông thoáng, điển hình như Dự án nâng cấp luồng tuyến cảng Hòn La cho tàu 30.000 DWT, đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trước triển vọng phát triển cảng biển của tỉnh
Những thành công của Dự án Cụm trang trại điện gió B&T, Nhà máy điện mặt trời Dohwa… là tiền đề để Quảng Bình mở ra hướng đi mới cho phát triển điện gió, điện mặt trời trên biển, góp phần bổ sung nguồn năng lượng sạch, tạo sự tăng trưởng kinh tế ổn định. Cùng với các công trình hạ tầng giao thông đang được đầu tư xây dựng; đội tàu cá công suất lớn khai thác vùng biển xa; hệ thống cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá như cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, dịch vụ cung ứng phục vụ khai thác được đầu tư xây dựng, nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu ngư dân… sẽ là tiền đề để Quảng Bình thực hiện thành công chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
– HẾT-