TỔNG QUAN TỈNH KIÊN GIANG
Kiên Giang có địa hình đa dạng, bờ biển dài, nhiều sông núi và hải đảo, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo cho tỉnh nhiều tiềm năng và lợi thế kinh tế phong phú, đa dạng như: kinh tế nông – lâm nghiệp, kinh tế biển, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông – thủy sản và du lịch; nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hoá tiêu biểu. Ngoài ra, với vị thế là cửa ngõ ở phía tây nam thông ra Vịnh Thái Lan, Kiên Giang còn có tiềm năng lớn về kinh tế cửa khẩu, hàng hải và mậu dịch quốc tế.
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN- XÃ HỘI
1. Vị trí địa lý: Kiên Giang nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có đường biên giới chung với Vương quốc Campuchia dài 56 km, đường bờ biển dài trên 200 km. Phía Đông và Đông Nam giáp Cần Thơ, An Giang; phía Nam giáp Cà Mau và Bạc Liêu; phía Tây giáp vịnh Thái Lan, diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.269 km2, trong đó đảo Phú Quốc rộng 573 km2.
Nằm trong vùng vịnh Thái Lan, gần với các nước Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Singapo, Kiên Giang có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực, đồng thời đóng vai trò cầu nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với bên ngoài.
Vị trí địa lý của Kiên Giang có tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế – xã hội tổng hợp, là cửa ngõ hướng ra biển Tây của tỉnh cũng như của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, đảo và giao lưu với các nước trong khu vực và quốc tế với các ngành mũi nhọn như du lịch, thương mại, dịch vụ công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản…
2. Diện tích: 6.346,27 km²
3. Khí hậu: Kiên Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm. Mưa, bão tập trung vào từ tháng 8 đến tháng 10 với lượng mưa trung bình hàng năm là 2.146,8mm. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26,4°C đến 28°C, tháng lạnh nhất là tháng 12; không có hiện tượng sương muối xảy ra. Kiên Giang không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng lượng nước mưa do bão chiếm một tỷ trọng đáng kể, nhất là vào cuối mùa mưa. Ðiều kiện khí hậu thời tiết của Kiên Giang có những thuận lợi cơ bản mà các tỉnh khác ở phía bắc không có được như: ít thiên tai, không rét, không có bão đổ bộ trực tiếp, ánh sáng và nhiệt lượng dồi dào, nên rất thuận lợi cho nhiều loại cây trồng và vật nuôi sinh trưởng.
4. Địa hình: Tỉnh Kiên Giang có địa hình đa dạng, bờ biển dài (hơn 200km), với hơn 100 đảo lớn nhỏ, nhiều sông núi, kênh rạch và hải đảo; phần đất liền tương đối bằng phẳng, có hướng thấp dần theo hướng đông bắc – tây nam.
Kiên Giang vừa có vùng đồng bằng lại vừa có vùng đồi núi và biển. Ở phần đất liền, địa hình tương đối bằng phẳng, thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Vùng hải đảo Phú Quốc và Kiên Hải có nhiều núi đá, địa hình khá phức tạp. Vùng đồng bằng có độ cao từ 0,2 – 1,2 m cùng với chế độ thuỷ triều biển tây chi phối rất lớn khả năng tiêu thoát úng về mùa mưa đồng thời lại bị ảnh hưởng lớn của nước mặn, nhất là vào các tháng cuối mùa khô, gây trở ngại cho sản xuất và đời sống
5. Tổ chức hành chính: Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, thị gồm: Thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên và các huyện: Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Phú Quốc, Kiên Hải, U Minh Thượng, Giang Thành.
II. CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
1. Tài nguyên đất:
Đất đai ở Kiên Giang được chia thành 4 vùng chính là vùng phù sa ngọt thuộc Tây sông Hậu (Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, thị xã Rạch Giá và huyện Gò Quao), vùng phèn ngập lũ thuộc tứ giác Long Xuyên, vùng nhiễm mặn thuộc bán đảo Cà Mau và vùng đồi núi, hải đảo ở hai huyện Phú Quốc và Kiên Hải.
Đất đai ở Kiên Giang phù hợp cho việc phát triển nông lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích đất tự nhiên là 634.627,21ha, trong đó: nhóm đất nông nghiệp: 575.697,49ha, chiếm 90,71% đất tự nhiên (riêng đất lúa 354.011,93ha, chiếm 61,49% đất nông nghiệp); nhóm đất phi nông nghiệp: 53.238,38ha, chiếm 8,39% diện tích tự nhiên; nhóm đất chưa sử dụng: 5.691,34 ha, chiếm 0,90% diện tích tự nhiên; đất có mặt nước ven biển: 13.781,11ha (là chỉ tiêu quan sát không tính vào diện tích đất tự nhiên). Đây là một tiềm năng lớn cần được khai thác và sử dụng triệt để góp phần phát triển kinh tế Kiên Giang mạnh hơn nữa.
2. Tài nguyên nước:
Nguồn nước mặt khá dồi dào, nhưng đến mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) phần lớn nước mặt của tỉnh đều bị nhiễm phèn mặn, do vị trí ở cuối nguồn nước ngọt của nhánh sông Hậu, nhưng lại ở đầu nguồn nước mặn của vịnh Rạch Giá. Toàn tỉnh có 3 con sông chảy qua: sông Cái Lớn (60km), sông Cái Bé (70km) và sông Giang Thành (27,5km) và hệ thống kênh rạch chủ yếu để tiêu nước về mùa lũ và giao thông đi lại, đồng thời có tác dụng tưới nước vào mùa khô.
3. Tài nguyên biển:
Kiên Giang có 200km bờ biển với ngư trường khai thác thủy sản rộng 63.290km². Biển Kiên Giang có 143 hòn đảo, với 105 hòn đảo nổi lớn, nhỏ, trong đó có 43 hòn đảo có dân cư sinh sống; nhiều cửa sông, kênh rạch đổ ra biển, tạo nguồn thức ăn tự nhiên phong phú cung cấp cho các loài hải sản cư trú và sinh sản, là ngư trường khai thác trọng điểm của cả nước. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Biển Việt Nam, vùng biển ở đây có trữ lượng cá, tôm khoảng 500.000 tấn, trong đó vùng ven bờ có độ sâu 20-50m có trữ lượng chiếm 56% và trữ lượng cá tôm ở tầng nổi chiếm 51,5%, khả năng khai thác cho phép bằng 44% trữ lượng, tức là hàng năm có thể khai thác trên 200.000 tấn; bên cạnh đó còn có mực, hải sâm, bào ngư, trai ngọc, sò huyết,… với trữ lượng lớn, điều kiện khai thác thuận lợi. Ngoài ra, tỉnh đã và đang thực hiện dự án đánh bắt xa bờ tại vùng biển Đông Nam bộ có trữ lượng trên 611.000 tấn với sản lượng cho phép khai thác 243.660 tấn chiếm 40% trữ lượng.
4. Tài nguyên rừng
Kiên Giang không có nhiều rừng, nên trữ lượng gỗ ở đây không lớn như các tỉnh khác trong vùng Đông Nam Bộ nhưng rừng ở đây lại có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ và bảo vệ môi trường. Trên địa bàn huyện có rừng đặc dụng ở Phú Quốc, rừng bảo tồn thiên nhiên và di tích lịch sử U Minh, rừng phòng hộ ven biển. Dự kiến năm 2005, toàn tỉnh có 138.900 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ và đặc dụng là 81.400 ha, rừng sản xuất 57.500 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 22,1%.
5. Tài nguyên khoáng sản:
Có thể nói Kiên Giang là tỉnh có nguồn khoáng sản dồi dào bậc nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Qua thăm dò điều tra địa chất tuy chưa đầy đủ nhưng đã xác định được 152 điểm quặng và mỏ của 23 loại khoáng sản thuộc các nhóm như: nhóm nhiên liệu (than bùn), nhóm không kim loại (đá vôi, đá xây dựng, đất sét…), nhóm kim loại (sắt, Laterit sắt…), nhóm đá bán quý (huyền thạch anh – opal…), trong đó chiếm chủ yếu là khoáng sản không kim loại dùng sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng. Theo điều tra của Liên đoàn Địa chất, trữ lượng đá vôi trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 440 triệu tấn. Theo quy họach của tỉnh, trữ lượng đá vôi cho khai thác sản xuất vật liệu xây dựng là 255 triệu tấn, đảm bảo đủ nguyên liệu cho các nhà máy xi măng, với công suất 3 triệu tấn/năm trong thời gian khoảng 50 năm.
III. KẾT CẤU HẠ TẦNG
1. Giao thông:
Kiên Giang có mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không nối liền các tỉnh trong cả nước và các nước trong khu vực, tạo thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế tỉnh nhà. Hiện nay, một số dự án xây dựng đường giao thông đang và sẽ triển khai đồng loạt như: dự án đường hành lang ven biển phía nam, dự án đường Hồ Chí Minh, dự án đường quanh đảo Phú Quốc, dự án đường cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, dự án nâng cấp tuyến quốc lộ 61… Ngoài ra, Kiên Giang có 2 sân bay: sân bay Rạch Giá và sân bay Phú Quốc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và các nhà đầu tư, hàng ngày có các tuyến bay từ TP. Hồ Chí Minh đến Rạch Giá, Phú Quốc và ngược lại.
2. Điện:
Các huyện, thị trấn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã có điện chiếu sáng. Nguồn cung cấp điện chủ yếu là từ điện lưới quốc gia và một số nhà máy có phụ tải điện chuyên dùng có nguồn phát điện riêng ở đất liền như: Công ty Xi măng Sao Mai, Công ty Xi măng Hà Tiên 2. Trong tương lai, tỉnh sẽ xây dựng trung tâm nhiệt điện tại huyện Kiên Lương để bổ sung nguồn điện cung cấp trong nước và có thể xuất khẩu qua các nước bạn.
3. Nước:
Toàn tỉnh hiện có 13 nhà máy cung cấp nước sạch với công suất thiết kế 60.700m³/ngày đêm, trong đó, Thành phố Rạch Giá công suất đạt 34.000m3/ngày đêm. Trước mắt, nước sạch đã đáp ứng được 87,3% nhu cầu sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.
4. Bưu chính – viễn thông:
Mạng lưới bưu chính – viễn thông của tỉnh có tốc độ phát triển khá nhanh, đi đôi với đầu tư phát triển điện, giao thông… Mạng lưới bưu cục, các điểm bưu điện văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đến tận các vùng sâu, vùng xa và các hải đảo. 100% các xã, phường, thị trấn đã có máy điện thoại cố định. Các loại hình dịch vụ như: điện thoại di động, internet băng thông rộng đã được phủ khắp các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
5. Y tế:
Đến nay, mạng lưới y tế của tỉnh đã được củng cố và hoàn thiện, phủ khắp 100% các xã, công tác y tế dự phòng, dân số kế hoạch hóa gia đình được tập trung thực hiện, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh. Các trạm y tế đảm bảo thường trực 24/24h để phục vụ sơ cứu, cấp cứu, số trạm y tế đạt chuẩn năm 2009 là 120/145 xã, phường, đạt 84,5% tổng số trạm y tế. Toàn tỉnh hiện có 130 trạm y tế, 15 phòng khám đa khoa, 14 bệnh viện. Ngoài ra, còn có 1.455 cơ sở hành nghề y dược, trong đó bệnh viện tư nhân Bình An đi vào hoạt động với 200 giường với máy móc thiệt bị hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
6. Giáo dục đào tạo:
Tỉnh Kiên Giang hiện có 4 trường cao đẳng, 1 trường đại học (Trường Đại học Thủy sản Nha Trang chi nhánh Kiên Giang), 1 trường trung cấp nghề và 8 trung tâm dạy nghề đang hoạt động, đào tạo nhiều ngành nghề. Bình quân hàng năm, hệ thống đào tạo nghề của tỉnh đáp ứng nhu cầu học nghề cho khoảng 24.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 6,06% năm 2001 lên 15,4% năm 2008. Dự kiến đến năm 2015, sẽ đáp ứng nhu cầu học nghề cho khoảng 401.837 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên trên 40,7%. Nhìn chung, hệ thống giáo dục đào tạo của tỉnh có bước phát triển mạnh, cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư, đến nay giảm tỷ lệ phòng học cây lá xuống còn 4,3% và không còn phòng học ca 3.
IV. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Tiềm năng phát triển du lịch- Dịch vụ
Kiên Giang có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng như: Hòn Chông, Hòn Trẹm, Hòn Phụ Tử, núi Mo So, bãi biển Mũi Nai,Thạch Động, Lăng Mạc Cửu, Đông Hồ, Hòn Đất, rừng U Minh, đảo Phú Quốc… Để khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch, Kiên Giang đã xây dựng 4 vùng du lịch trọng điểm như sau:
– Phú Quốc: có địa hình độc đáo gồm dãy núi nối liền chạy từ bắc xuống nam đảo, có rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú, có nhiều bãi tắm đẹp như: bãi Trường (dài 20km), bãi Cửa Lấp – Bà Kèo, bãi Sao, bãi Đại, bãi Hòn Thơm… và xung quanh còn có 26 đảo lớn nhỏ khác nhau. Theo chủ trương của Chính phủ, đảo Phú Quốc được xây dựng thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế chất lượng cao. Phú Quốc và hai quần đảo An Thới, Thổ Châu là vùng lý tưởng cho việc phát triển du lịch biển đảo như: tham quan, cắm trại, tắm biển, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, các loại hình thể thao nước. Phú Quốc có truyền thống văn hóa lâu đời và nhiều đặc sản nổi tiếng như: nước mắm Phú Quốc, hồ tiêu, ngọc trai, rượu sim, cá trích, nấm tràm… Chính từ sự phong phú, đa dạng của Phú Quốc, hàng năm khách du lịch đến Phú Quốc tăng nhanh, năm 2008 đã thu hút trên 200.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế trên 55.000 lượt.
– Vùng Hà Tiên – Kiên Lương: Nhiều thắng cảnh biển, núi non của Hà Tiên – Kiên Lương như: Mũi Nai, Thạch Động, núi Tô Châu, núi Đá Dựng, đầm Đông Hồ, di tích lịch sử văn hóa núi Bình San, chùa Hang, hòn Phụ Tử, bãi Dương, núi MoSo, hòn Trẹm, quần đảo Hải Tặc và đảo Bà Lụa rất thích hợp cho phát triển du lịch tham quan thắng cảnh, nghỉ dưỡng. Những thắng cảnh như núi Tô Châu, đầm Đông Hồ, sông Giang Thành, khu du lịch Núi Đèn đang được đưa vào khai thác du lịch chính thức. Bên cạnh đó, Hà Tiên có truyền thống lịch sử văn hóa, văn học – nghệ thuật, với những lễ hội cổ truyền như Tết Nguyên tiêu, kỷ niệm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các, lễ giỗ Mạc Cửu, chùa Phù Dung, đình Thành Hoàng… Hiện nay, Kiên Giang đã có tour du lịch đến nước bạn Campuchia qua đường Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, đây là cánh cửa mở ra để vùng Kiên Lương – Hà Tiên nối liền với các nước Đông Nam Á; đồng thời mở tuyến du lịch xuyên ba nước, từ Phú Quốc đến Shianouk Ville (Campuchia) và tỉnh Chanthaburi (Thái Lan) bằng đường biển và đường bộ.
– Thành phố Rạch Giá và vùng phụ cận: Thành phố Rạch Giá là trung tâm hành chính của tỉnh Kiên Giang, có bờ biển dài 7km, giao thông thủy, bộ và hàng không rất thuận tiện. Rạch Giá có cơ sở hạ tầng tốt, nhiều di tích lịch sử văn hóa, là điểm dừng chân để đi tiếp đến Hà Tiên, Phú Quốc và các vùng khác trong tỉnh. Do đó, có lợi thế trong phát triển các dịch vụ như: lưu trú, ăn uống, các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm; có 2 hệ thống siêu thị quy mô lớn đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân thành phố và du khách (siêu thị Citimart khu lấn biển và siêu thị Co.op Mart Rạch Sỏi). Thành phố Rạch Giá là nơi đầu tiên ở Việt Nam tiến hành việc lấn biển để xây dựng đô thị mới. Khu lấn biển mở rộng thành phố thành một trong những khu đô thị mới lớn nhất vùng Tây Nam bộ. Hiện tại thành phố đang và chuẩn bị đầu tư nhiều công trình quan trọng như: khu đô thị mới Vĩnh Hiệp, khu đô thị phức hợp lấn biển, 2 cầu nối liền khu lấn biển và khu 16 ha, cầu Lạc Hồng…. Một số khu vực phụ cận của Rạch Giá như huyện đảo Kiên Hải, Hòn Đất, U Minh Thượng cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Kiên Hải đang khai thác các tour khám phá biển đảo đi – về trong ngày. Đây là vùng thắng cảnh biển – đảo với đặc thù nghề truyền thống đi biển, làm nước mắm, chế biến hải sản, tạo thành nét sinh hoạt văn hóa riêng biệt. Khu du lịch Hòn Đất đang hoàn chỉnh và hoàn thiện những công trình văn hóa tại khu mộ Anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng (chị Sứ), xây dựng khu trưng bày một số hiện vật chứng tích chiến tranh tại khu phát sóng truyền hình của tỉnh trên đỉnh Hòn Me…
– Vùng U Minh Thượng: Với đặc thù sinh thái rừng tràm ngập nước trên đất than bùn, Vườn Quốc gia U Minh Thượng – khu căn cứ địa cách mạng, khu dự trữ sinh quyển thế giới, đã mở cửa phục vụ khách tham quan du lịch sinh thái. Khu du lịch Vườn Quốc gia U Minh Thượng phục vụ khách tham quan du lịch sinh thái kết hợp với tìm hiểu văn hóa nhân văn sông nước vùng bán đảo Cà Mau và du lịch nghiên cứu di chỉ khảo cổ Ốc Eo – Phù Nam (Cạnh Đền, Nền Vua, Kè Một). Quần thể di tích căn cứ địa cách mạng U Minh Thượng với di tích Ngã Ba Cây Bàng, Ngã Ba Tàu, Thứ Mười Một, Rừng tràm Ban Biện Phú, khu tập kết 200 ngày kinh xáng Chắc Băng, là điểm thu hút du khách tìm hiểu lịch sử cách mạng… đồng thời, tỉnh vừa khởi công xây dựng một số công trình theo Đề án phục dựng Khu căn cứ Tỉnh uỷ trong kháng chiến tại huyện Vĩnh Thuận.
Ngoài 4 vùng du lịch trọng điểm, Kiên Giang hiện có khu Dự trữ sinh quyển với diện tích hơn 1,1 triệu ha. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang chứa đựng sự phong phú, đa dạng và đặc sắc về cảnh quan và hệ sinh thái, có giá trị lớn về mặt nghiên cứu, cũng như du lịch. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang trùm lên địa phận các huyện Phú Quốc, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Kiên Lương và Kiên Hải, gồm 3 vùng lõi thuộc Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc và rừng phòng hộ ven biển Kiên Lương…
2. Tiềm năng phát triển công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp
Kiên Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng và điều kiện tương đối thuận lợi trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, trong đó tiềm năng để phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cũng rất đa dạng. Trong những năm qua, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của tỉnh luôn được duy trì và phát triển ổn định, với tốc độ tăng trưởng hàng năm khá cao. Tuy nhiên, kết quả đạt được so với tiềm năng và lợi thế của tỉnh vẫn chưa tương xứng, nhất là tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của ngành công nghiệp trong GDP toàn tỉnh còn chậm, việc thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp còn thấp, cơ sở hạ tầng đầu tư cho ngành công nghiệp chưa đúng mức, chưa tạo động lực mạnh mẽ để huy động mọi nguồn nội lực trong tỉnh cũng như thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp tỉnh nhà đó là những vấn đề cần phải được tiếp tục quan tâm trong quá trình phát triển ngành công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới. Theo Nghị quyết Đại hội VII của Tỉnh Đảng bộ đề ra: “Phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các nhóm ngành có lợi thế về tài nguyên và nguồn nguyên liệu, đa dạng hoá các sản phẩm, vừa nâng lên chất lượng các sản phẩm truyền thống, vừa tạo ra sản phẩm mới, có sức cạnh tranh thị trường nội địa và thế giới”. Xuất phát từ chủ trương trên, để ngành công nghiệp phát triển theo đúng định hướng chung của tỉnh, cần thực hiện việc quy hoạch phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trong một tương lai dài để định ra những mục tiêu, định hướng phát triển của ngành nhằm khai thác triệt để lợi thế của tỉnh, khuyến khích tối đa nguồn nội lực trong tỉnh cũng như thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đưa ngành công nghiệp phát triển ở tốc độ cao và bền vững trong những năm tới là điều hết sức cần thiết. “Qui hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020” được Sở Công nghiệp Kiên Giang phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp – Bộ Công nghiệp xây dựng trên các cơ sở: – Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ VIII nhiệm kỳ 2006-2010. – Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2010. – Quy hoạch phát triển Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2010. – Qui hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo các vùng lãnh thổ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. – Quyết định số 40/2005/QĐ-BCN ngày 23/12/2005 của Bộ Công nghiệp về việc ban hành Qui định tạm thời về qui hoạch phát triển công nghiệp. – Quyết định số 3008/QĐ-UB ngày 3/12/2004 của UBND Tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt đề cương và chi phí khảo sát lập qui hoạch phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2006 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. – Nguồn dữ liệu của Cục Thống kê Kiên Giang về hiện trạng phát triển kinh tế – xã hội nói chung và công nghiệp nói riêng. – Căn cứ tình hình thực tế của Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
V. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2025
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Mai Văn Huỳnh cho biết mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới (2021-2025) của tỉnh là huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh, nhất là kinh tế biển, du lịch và công nghiệp.
Tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Kiên Giang phấn đấu duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Kiên Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 7,24% trở lên, năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.485 USD. Tỉnh huy động vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 267.128 tỷ đồng, đẩy mạnh chương trình phát triển đô thị hóa đạt tỷ lệ khoảng 41,45%, 100% số xã của tỉnh đạt nông thôn mới, ít nhất 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và khoảng 7-9 huyện nông thôn mới. Tỉnh cải thiện, nâng lên đời sống nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%.
Để đạt những mục tiêu này, Kiên Giang xác định 3 khâu đột phá gồm đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, nhất là giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối và phát triển.
Theo đó, tỉnh tập trung thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững và có chiều sâu, phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tỉnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản…; phát triển đô thị động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh xây dựng huyện Phú Quốc trở thành thành phố du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế; xây dựng thành phố Rạch Giá là một trong 4 đô thị của vùng kinh tế trọng điểm thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hình thành và phát triển các đô thị ở huyện đảo Kiên Hải nhằm thúc đẩy phát triển vùng hải đảo gắn kết với phát triển vùng đất liền. Tỉnh xây dựng huyện An Biên thành đô thị vùng U Minh Thượng và huyện Giồng Riềng thành đô thị vùng Tây Sông Hậu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang Đỗ Minh Nhựt cho biết tỉnh tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển toàn diện theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Đồng thời, tỉnh tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản, bảo đảm phù hợp giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến, giảm dần tiến tới chấm dứt khai thác ven bờ, nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Kiên Giang phấn đấu năm 2025, sản lượng lương thực đạt 4-4,2 triệu tấn, trong đó lúa 3,8-4 triệu tấn; thủy-hải sản 800.000 tấn, trong đó 100.000 tấn tôm nuôi, giá trị sản lượng trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 130-170 triệu đồng.
Tiếp đến, tỉnh tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông-thủy sản, công nghiệp sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, điện tử…), công nghiệp đóng, sửa chữa tàu, chế biến thực phẩm. Phát triển ổn định công nghiệp vật liệu xây dựng, gắn với sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tỉnh tập trung đầu tư hoàn chỉnh các kết cấu hạ tầng, kêu gọi đầu tư các khu, cụm công nghiệp ở Châu Thành, Hà Tiên, Phú Quốc, Rạch Giá, An Biên, Gò Quao. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 8%/năm, năm 2025 đạt 77.735 tỷ đồng, gấp 1,4 lần so với năm 2020, tỷ trọng công nghiệp chiếm 14,8% trong giá trị tổng sản phẩm của tỉnh.
Mặt khác, tỉnh phát triển các ngành dịch vụ có giá trị và giá trị gia tăng cao, nhất là du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Tỉnh tập trung phát triển ngành du lịch, tạo bước đột phá phát triển toàn diện để phấn đấu đến năm 2030, du lịch đóng góp chính vào nền kinh tế của tỉnh, trở thành ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn.
Tỉnh tăng cường liên kết du lịch của tỉnh với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cả nước và quốc tế. Đẩy mạnh hoạt động khu vực biên giới ở cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cửa khẩu quốc gia Giang Thành gắn kết các trung tâm đô thị Phú Quốc, Kiên Lương và Rạch Giá để hình thành các cực tăng trưởng năng động của tỉnh, làm hạt nhân lan tỏa sang các khu vực lân cận.
Cùng với đó, tỉnh phát triển kinh tế biển, đưa Kiên Giang trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển vào năm 2025, nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực và cả nước vào năm 2030. Tỉnh phát triển kinh tế biển kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, tập trung vào các lĩnh vực, phát triển nuôi trồng, đặc biệt là nuôi biển, đánh bắt và chế biến hải sản; phát triển du lịch và dịch vụ biển, tập trung đầu tư hạ tầng cho du lịch, nhất là các vùng du lịch trọng điểm, du lịch biển đảo, ven biển như Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên, Kiên Lương…
Tỉnh phát triển công nghiệp năng lượng, thúc đẩy đầu tư khai thác điện gió, điện khí, điện Mặt Trời và năng lượng tái tạo khác, phát triển kinh tế hàng hải, tập trung đầu tư các cảng trọng điểm như Hòn Chông (Kiên Lương), Cảng nước sâu Nam Du (Kiên Hải), Cảng tổng hợp tại Mũi Đất Đỏ và Cảng biển Vịnh Đầm (Phú Quốc), Cảng hành khách quốc tế Dương Đông và mở rộng Cảng Bãi Vòng (Phú Quốc), cụm cảng Hà Tiên, Kiên Lương, Cảng hành khách Rạch Giá…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Mai Văn Huỳnh cho biết thực hiện 3 khâu đột phá, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là rà soát, cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp. Đồng thời, nghiên cứu, điều chỉnh các cơ chế, chính sách, thủ tục chưa phù hợp, gây phiền hà, khó khăn cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp nâng cao sự hài lòng của người dân, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực mạnh đầu tư vào tỉnh.
Tỉnh tích cực huy động tốt các nguồn lực, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, chú trọng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về kinh tế-xã hội. Tỉnh tập trung xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là những công trình có tính lan tỏa, đột phá đảm bảo kết nối vận tải với vùng kinh tế trọng điểm, cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng gắn kết với mạng lưới giao thông trong các liên kết khu vực.
Cụ thể, đường cao tốc Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu, các Quốc lộ 80, 63, 61, N1, tuyến đường bộ ven biển với các đoạn Kênh Cụt-Tắc Cậu, Rạch Giá-Hòn Đất, Hòn Đất-Kiên Lương, tuyến đường hành lang ven biển phía Nam đoạn Rạch Giá-Hà Tiên…; đầu tư nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Rạch Giá, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, sự lãnh đạo tập trung của Tỉnh ủy, chỉ đạo của UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Kiên Giang đã đạt được một số kết quả tích cực trong việc thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới “vừa chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân; vừa phực hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội”.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang về tình hình kinh tế – xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 4,42%, tăng so với cùng kỳ, trong đó lĩnh vực nông –lâm – thủy sản tăng 0,79%; công nghiệp – xây dựng tăng 8,99%; thương mại dịch vụ tăng 6,15%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 25.085,51 tỷ đồng, đạt 49,1% kế hoạch, tăng 10,75% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh doanh, khu, cụm công nghiệp đã khôi phục 100%. Cụ thể, hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng cao so với cùng kỳ như: giày da tăng 108,33%; bao bì tăng 63,91%; gỗ MDF tăng 27,32%; khai thác đá tăng 15,05%… do thuận lợi về thị trường tiêu thụ và tăng công suất sản xuất.
Tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức khá so với cùng kỳ, các ngành, lĩnh vực và hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục đà phục hồi. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại xuất khẩu đều tăng khá; lĩnh vực du lịch có chuyển biến tích cực, doanh thu tăng so với cùng kỳ… Các chính sách, chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội từng bước đi vào cuộc sống giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn và phục hồi sản xuất. Thị trường tiêu thụ dần ổn định, lượng đơn đặt hàng tăng mạnh nhất là trong lĩnh vực chế biến thủy sản, sản xuất giày da-may mặc… nhờ thực hiện nhất quán chính sách “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, thị trường nội địa đã từng b ước phục hồi và ổn định trở lại, người lao động và các doanh nghiệp đã được hỗ trợ nên giảm bớt khó khăn, các doanh nghiệp đã chủ động năm bắt và triển khai kịp thời các hợp đồng cung ứng.
Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp nhằm hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu đã được giao. Đặc biệt trong lĩnh vực Công thương, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc tiếp xúc với các nguồn vốn hỗ trợ; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách về khuyến công nhằm mở rộng thị trường, xuất khẩu hàng hóa, kích cầu tiêu dùng…
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp sớm hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ, khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trong nhóm ngành chế biến thủy sản, sản xuất giày da, may mặc… để các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, đáp ứng các đơn hàng, thúc đẩy sản xuất của nhóm ngành chế biến, chế tạo.
Đồng thời, tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình kết nối cung – cầu trên sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tích cực thông tin, phổ biến các quy định pháp luật về Hội nhập kinh tế quốc tế, nội dung các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các điều kiện xuất nhập khẩu của các nước, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại ngoài nước do Bộ Công Thương tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp khai thác, tận dụng những cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CPTPP và RCEP, mở rộng thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Tăng cường theo dõi, kiếm tra, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong địa bàn tỉnh.
– HẾT-