Hà Tĩnh

Chi tiết - Hà Tĩnh

TỔNG QUAN VỀ HÀ TĨNH

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN- XÃ HỘI

1. Vị trí địa lí

Hà Tĩnh trải dài từ 17°54’ đến 18°37’ vĩ Bắc và từ 106°30’ đến 105°07’ kinh Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Tây giáp hai tỉnh Borikhamxay và Khammuane của Lào, phía Đông giáp Biển Đông.

2. Địa hình:

Lãnh thổ Hà Tĩnh chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, địa hình dốc nghiêng từ Tây sang Đông (độ dốc trung bình 1,2%, có nơi 1,8%) và bị chia cắt mạnh bởi các sông suối nhỏ của dãy Trường Sơn, có nhiều dạng địa hình chuyển tiếp, xen kẻ lẫn nhau.

Phía Tây là sườn Đông của dãy Trường Sơn có độ cao trung bình 1500m, kế tiếp là đồi bát úp và một dãy đồng bằng hẹp, có độ cao trung bình 5m, thường bị núi cắt ngang và sau cùng là dãy cát ven biển bị nhiều cửa lạch chia cắt. Về tổng thể, Hà Tĩnh có 4 dạng địa hình cơ bản như sau:

– Vùng núi cao: Địa hình vùng núi cao thuộc phía Đông của dãy Trường Sơn bao gồm các xã phía Tây của huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh. Địa hình dốc bị chia cắt mạnh, hình thành các thung lũng nhỏ hẹp chạy dọc theo các triền sông lớn của hệ thống sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu, Rào Trổ.

– Vùng trung du và bán sơn địa: Đây là vùng chuyển từ vùng núi cao xuống vùng đồng bằng. Vùng này chạy dọc phía Tây Nam đường Hồ Chí Minh bao gồm các xã vùng thấp của huyện Hương Sơn, các xã thượng Đức Thọ, thượng Can Lộc, ven Trà Sơn của các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Địa hình có dạng xen lẫn giữa các đồi trung bình và thấp với đất ruộng.

– Vùng đồng bằng: là vùng chạy dọc hai bên Quốc lộ 1A theo chân núi Trà Sơn và dải ven biển, bao gồm các xã vùng giữa của huyện Đức Thọ, Can Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Địa hình vùng này tương đối bằng phẳng do quá trình bồi tụ phù sa của các sông, phù sa biển trên các vỏ phong hoá Feralit hay trầm tích biển.

– Vùng ven biển :nằm ở phía Đông đường Quốc lộ 1A chạy dọc theo bờ biển gồm các xã của huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Địa hình được tạo bởi những đụn cát, các vùng trũng được lấp đầy trầm tích hay đầm phá hay phù sa được hình thành do các dãy đụn cát chạy dài ngăn cách bãi biển. Ngoài ra vùng này còn xuất hiện các dãy đồi núi sót chạy dọc ven biển do kiến tạo của dãy Trường Sơn Bắc. Nhiều bãi ngập mặn được tạo ra từ nhiều cửa sông, lạch.

3. Khí hậu:

– Khí hậu: Hà Tĩnh được chia ra 4 mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nhiệt độ trung bình hàng năm 23-240C. Nguồn ánh sáng dồi dào, hàng năm có từ 1.600-1.700 giờ nắng, rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản thực phẩm.
– Thuỷ văn: Hệ thống sông ngòi khá dày đặc, phân bố tương đối đồng đều (bình quân 0,14 km đường sông/1 km2 diện tích tự nhiên) ngoài ra còn có 200 hồ chứa, lượng nước mặt hàng năm khá lớn ≈ 6 tỷ m3.

Cùng với hệ thống sông ngòi và hồ đập, Hà Tĩnh có mạng lưới thuỷ lợi tương đối hoàn chỉnh, chủ động tưới trên 75% diện tích cây lương thực và góp phần quan trọng điều hoà môi trường sinh thái.

4. Tài nguyên thiên nhiên

4. 1. Tài nguyên khoáng sản

– Có mỏ sắt Thạch Khê cách Thành phố Hà Tĩnh 7 km, trữ lượng trên 544 triệu tấn, hàm lượng sắt 62,1%.

– Quặng Ti Tan (Cẩm Xuyên, Kỳ Anh) có trữ lượng trên 5 triệu tấn, thuộc loại quặng giàu, hàm lượng Imenite từ 63,3 đến 147,4 kg/m3, Zireon từ 3-5,2kg/m3. Hiện đang khai thác xuất khẩu mỗi năm từ 10-12 vạn tấn.

– Quặng thiếc (xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn) có trữ lượng khoảng 70.000 tấn. Hàm lượng thiếc trong các mạch quặng trung bình 1%.

– Sét gạch ngói được phân bố ở hầu hết các huyện trong tỉnh. Các mỏ lớn có trữ lượng khoảng 65.000.000 m3 dùng sản xuất gạch ngói rất tốt.

– Đá Granít (ở huyện Nghi Xuân, Thạch Hà và Kỳ Anh) có trữ lượng khoảng 1,1 tỷ m3, đá Granít Hà Tĩnh thuộc loại cứng, chỉ số mài mòn 0,159 gam/cm2, độ kháng ép cao 1.600-1.7000 kg/cm2 rất tốt cho xây dựng, nhất là các công trình yêu cầu chất lượng cao.
– Nước khoáng Sơn Kim: cách huyện lỵ Hương Sơn 30 km, cách Cửa khẩu Cầu Treo khoảng 20km. Nước khoáng từ lòng đất phun qua các khe nhỏ trong đá Granít nhiệt độ trên mặt nước trên 760C, có mùi Sunfua-hydro, thuộc loại nước Bicácbônát-natri. Lưu lượng khoảng 400 m3/ngày. Hiện nay, đã được khai thác chế biến và lưu thông trên thị trường, nhưng quy mô còn nhỏ. Bên bờ suối nước khoáng Sơn Kim là khu rừng đặc dụng có diện tích 30.000 ha, có nhiều loại gỗ quý và động vật quý hiếm, Tỉnh chủ trương xây dựng tại đây một khu nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch sinh thái và tổ chức tuyến du lịch lữ hành từ Việt Nam đi Lào và Thái Lan.

Hà Tĩnh có nguồn nước phong phú nhờ hệ thống sông suối hồ đập khá dày đặc. Với 266 hồ chứa có tổng dung tích trữ trên 600 triệu m3, 282 trạm bơm có tổng lưu lượng 338.000m3/s, 15 đập dâng tổng lưu lượng cơ bản 6,9m3/s với trữ lượng này hiện tại Hà Tĩnh đã phục vụ tưới được 47.737 ha/vụ.

4. 2. Tài nguyên nước

Toàn tỉnh có trên 30 con sông lớn nhỏ với tổng chiều dài trên 400km, trữ lượng khoảng 9 – 10 tỷ m3/năm. Tổng lưu vực của các con sông khoảng 5.924km2, trong đó Sông La do 2 con sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố hợp thành với diện tích lưu vực 3.221km2. Sông Cửa Sót là hợp lưu của Sông Nghèn và sông Rào Cái với diện tích lưu vực 1.349km2. Sông Cửa Nhượng là hợp lưu của sông Gia Hội và Sông Rác có diện tích lưu vực 356km2. Sông Cửa Khẩu là hợp lưu của Sông Trí và Sông Quyền với diện tích lưu vực 510km2. Sông Rào Trổ có lưu vực bao gồm các xã Kỳ Tây, Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Kỳ Lâm, Kỳ Lạc, Kỳ Tân, Kỳ Hoa, Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và các xã Ngư Hoá, Phong Hoá thuộc huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Sông Rào Trổ có chiều dài hơn 60 km với diện tích lưu vực 556 km2, phần đi qua đất Hà Tĩnh có chiều dài 54 km, với diện tích lưu vực là 488 km2. Sông rào Trổ đổ vào sông Nguồn Nậy tại xã Phong Hoá, trước khi hợp lưu với sông Gianh, tỉnh Quảng Bình.  Các con sông ở Hà Tĩnh là nguồn cung cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và các hoạt động phát triển kinh tế xã hội đồng thời cũng có chức năng thoát lũ về mùa mưa lũ.

Tuy lượng nước sông khá lớn nhưng việc sử dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt còn bị hạn chế do bị khô cạn vùng thượng và nhiễm mặn ở hạ lưu.

Nước ngầm ở Hà Tĩnh tuy chưa có số liệu điều tra toàn diện nhưng qua các số liệu đã thu thập được cho thấy mức độ nông sâu thay đổi phụ thuộc địa hình và lượng mưa trong năm. Thông thường vùng đồng bằng ven biển có mực nước ngầm nông, miền trung du và miền núi nước ngầm thường sâu và dễ bị cạn kiệt vào mùa khô, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của nhân dân trong vùng.

Đặc biệt, Hà Tĩnh có mỏ nước khoáng ở Sơn Kim huyện Hương Sơn có chất lượng tốt, vị trí thuận lợi cạnh đường Quốc lộ 8 và gần cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo rất có điều kiện để phát triển thành một khu du lịch dưỡng bệnh.

4. 3. Tài nguyên rừng:

Rừng và kinh tế rừng là một thế mạnh của tỉnh, có 199.847 ha rừng tự nhiên, trong đó rừng đặc dụng 60.000 ha, rừng phòng hộ 83.078 ha, rừng sản xuất 26.000 ha. Trữ lượng gỗ trên 21,13 triệu m3. Thực hiện chủ trương đóng cửa rừng, hiện nay mới khai thác 15.000 m3 gỗ/năm.

Do tính đa dạng và phong phú của rừng Hà Tĩnh, Chính phủ đã quyết định thành lập Vườn Quốc gia Vũ Quang và Khu bảo tồn thiên nhiên Kẽ Gỗ. Ở đây diện tích rừng nguyên sinh chiếm trên 60%. Thảm thực vật phong phú, có 307 loài thực vật bậc cao, thuộc 236 chi, 99 họ với 10 loài quý hiếm, tiêu biểu như Pơ Mu, Trầm Hương, Lim, Gụ, Sến, Táu…

Động vật: có tới 170 loài thú, 280 loài chim, 38 loài bò sát. Đặc biệt ở Vườn Quốc gia Vũ Quang có các loài thú đặc hữu như Voọc Hà Tĩnh, Vượn má vàng, hai loài thú lớn mới là Sao La và Mang Lớn

Với tính đa dạng và phong phú của mình, Vườn Quốc gia Vũ Quang và Khu bảo tồn thiên nhiên Kẽ Gỗ có khả năng trở thành các địa chỉ du lịch sinh thái và du lịch thể thao hấp dẫn.

4. 4. Tài nguyên biển và bãi biển

Thiên nhiên đã ưu đãi cho Hà Tĩnh 137 km bờ biển chạy dài từ Cửa Hội (Nghi Xuân) đến chân Đèo Ngang (huyện Kỳ Anh). Biển Hà Tĩnh có 267 loài cá, thuộc 90 họ, trong đó có 60 loài có giá trị kinh tế cao, có 20 loại tôm, là một ngư trường lớn và có nhiều bãi tắm lý tưởng. Ngoài bờ có nhiều đảo, đảo không lớn nhưng không quá xa bờ, rất tiện lợi cho tàu thuyền neo trú và du khách tham quan.

Dọc bờ biển có 4 cửa sông lớn: Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu là những Cảng cá hiện nay và trong tương lai gần. Tuy vậy, do kỹ thuật và phương tiện đánh bắt chưa hiện đại nên hiện nay mới khai thác được trên dưới 20.000 tấn hải sản/năm.
Diện tích mặt nước lợ trên 6.000 ha, có độ mặn và cấu tương đất rất phù hợp với nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài ra, còn có hàng chục ngàn ha đất cát ven biển rất thuận tiện cho nuôi tôm theo công nghệ mới.

Về du lịch biển, tỉnh đã xây dựng 4 Khu du lịch là Xuân Thành, Thạch Hải, Thiên Cầm và Đèo Con. Đây là những bãi tắm đẹp, nước trong, cát mịn, bãi bằng. Cạnh các bãi biển lại có núi, nên tắm biển mà vẫn được chiêm ngưỡng vẽ đẹp kỳ vỹ hoành tráng của núi non, và cũng chỉ có ở đây từ trên núi cao mới cảm nhận được sự mênh mông, kỳ diệu và thơ mộng của biển cả.

5. Dân số

Hà Tĩnh có dân số trung bình năm 2021 ước tính 1.314.056 người, tăng 1,34% so với năm 2020 (tăng 17.434 người).

Hà Tĩnh là tỉnh có dân số chủ yếu là người Việt (Kinh) chiếm tới 99% dân số. Các dân tộc Thái, Mường, Chứt, Lào chỉ có vài trăm hoặc vài chục, thường sống xen ghép tại một số xã thuộc huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang. Hà Tĩnh là 1 trong 15 tỉnh có số lượng tín đồ Công giáo đồng nhất toàn quốc.

II. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Tiềm năng phát triển du lịch

Hà Tĩnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh, quê hương của nhiều bậc danh nhân. Cảnh quan của tỉnh có thác Vũ Môn, vườn quốc gia Vũ Quang, hồ Kẻ Gỗ, suối nước nóng Sơn Kim, đèo Ngang, chùa Hương Tích, Hòn Bớc, Hòn Lám…Các thắng cảnh phần lớn đều phân bổ dọc đường quốc lộ 1A và quốc lộ 8.

Hà Tĩnh nổi tiếng về “Văn vật Hồng Lam” với các di chỉ khảo cổ rú Dầu, rú Rơm, đồ sắt Vân Chàm, Minh Long, đồ đồng Ðức Lâm, đồ gốm Cảm Trang, đồ mộc Thái Yên, lụa Hạ, vải Hồ. Dãy Hoành Sơn còn lưu giữ lũng cổ đắp ghép từ thế kỷ thứ 4.

Với gần 137km bờ biển, Hà Tĩnh còn sở hữu nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng như Xuân Thành, Xuân Hải, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Đèo Con.

2. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kỹ thuật

– Giao thông vận tải khá thuận lợi

+ Đường bộ: Quốc lộ 1A chạy dọc tỉnh từ Bến Thuỷ qua huyện Nghi Xuân, Thị xã Hồng Lĩnh, Thành phố Hà Tĩnh, các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh dài 126 km đã được nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng; Quốc lộ 8A nối Thị xã Hồng Lĩnh với Cửa Khẩu Cầu Treo dài 90 km, từ đây đi Lào và vùng Đông bắc Thái Lan rất thuận tiện và ngắn hơn so với các đường bộ khác.

Đường Hồ Chí Minh qua 3 huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang có chiều dài trên 80 km đã được xây dựng.

Quốc lộ 12 nối cảng biển nước sâu Vũng Áng với cửa khẩu Cha Lo và thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn (Lào) sang vùng Đông – Bắc Thái Lan đang được thi công, giai đoạn 1 đầu tư rộng 18 m đang khẩn trương thông tuyến. Đây là đường nối hành lang Đông – Tây ngắn nhất, đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng vùng đất bao la miền Tây Hà Tĩnh, Quảng Bình và biên giới Việt Lào.

Hà Tĩnh còn có 28 tuyến Tỉnh lộ với chiều dài 379,2 km, 45 tuyến đường liên huyện với chiều dài 1.345 km và đường ô tô từ huyện tới 259 xã, phường, thị trấn với 3.623 km, tạo nên mạng lưới giao thông thuận lợi.

+ Đường sắt: Tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua địa phận Hà Tĩnh dài 71km, khổ đường 1m, có 2 ga hàng hóa Hương Phố và Phúc Trạch; Có 8 ga khách, trong đó có 2 ga khách chính là Yên Trung và Gia Phố. Đường sắt Vũng Áng – Thà Khẹt dự kiến được xây dựng cắt tuyến đường sắt Bắc Nam.

+ Hải Cảng: Chính phủ Việt Nam đã có quy hoạch định hướng xây dựng cụm Cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương với các Cảng tổng hợp và Cảng chuyên dùng, phục vụ công nghiệp cơ khí, luyện cán thép, đóng và sửa chữa tàu thuỷ, hoá dầu.
+ Cảng Vũng Áng: Được quy hoạch 27 cầu cảng với lượng hàng hóa bốc xếp hàng năm là 20 triệu tấn/năm. Kế hoạch đến năm 2010 xây dựng 4 cầu cảng với tổng chiều dài 995,5m trong đó 2 cầu cảng bách hóa và 2 cầu cảng Conterner.

+ Cảng Sơn Dương: Được quy hoạch 30 bến với định hướng các chức năng sau:
Cảng căn cứ dầu khí chiếm khoảng 100ha, năng lực thông qua cảng là 4 triệu tấn/năm, với chiều dài 140m.

Cảng lọc hóa dầu bố trí 2 bến dầu thô cho tàu trọng tải 150.000 – 200.000 tấn, cách bờ 1,8km và 8 bến xuất dầu sản phẩm ngay trong cảng, năng lực thông qua cảng là 15 triệu tấn/năm.

Cảng chuyên dụng thép, gồm 2 bến cho tàu 50.000 – 150.000 tấn đặt cách bờ 1,6 km để xuất quặng và 8 bến tàu 10.000 – 30.000 tấn xuất sản phẩm thép và nhập phụ kiện, năng lực thông qua cảng chuyên dụng thép là 10 triệu tấn/năm.

Diện tích khu nước của toàn bộ khu cảng Sơn Dương là 400 ha, chiều dài đê chắn sóng là 7,8km, cao 20m

+ Ở huyện Nghi Xuân phía Bắc Hà Tĩnh có cảng sông Xuân Hải, đủ điều kiện tiếp nhận tàu 2.000 tấn.

– Về điện: Hà Tĩnh nằm trên tuyến đường 500 KV Bắc Nam, đặc biệt có trạm biến áp 500 KV, hạ áp cho 2 đường 220 KV, và 4 trạm 110 KV tạo thành mạch vòng, chủ động cấp điện cho các tỉnh Bắc Trung bộ. Đến nay, 100% số xã trong tỉnh đã có lưới điện Quốc Gia.

Năm 2022, Hà Tĩnh dự kiến đầu tư cải tạo mặt đường, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đường Quang Trung và bổ sung một đơn nguyên cầu Hộ Độ, trị giá 157 tỷ đồng; xây dựng đường Hàm Nghi kéo dài, trị giá 386 tỷ đồng, cải tạo, nâng cấp ĐT.553 đoạn từ Lộc Yên đến đường Hồ Chí Minh, trị giá 266 tỷ đồng.

Hà Tĩnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt để nâng cấp mạng lưới giao thông, nhằm xây dựng hệ thống hạ tầng GTVT đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng, đáp ứng nhu cầu vận chuyền, lưu thông hàng hóa, đưa nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững.

III. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

1. Mục tiêu năm 2022

– Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8,5-9%;

– GRDP bình quân đầu người đạt 71 triệu đồng;

– Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt trên 96 triệu đồng/ha.

– Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,48% so với cùng kỳ 2021.

– Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 43.000 tỷ đồng;

– Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2022 dự kiến đạt 45.200 tỷ đồng tăng 8,5% so với năm 2021;

– Kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.

– Thu ngân sách trên địa bàn đạt 16.300 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 7.800 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu 8.500 tỷ đồng.

– Thành lập mới trên 1.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả;

– Có thêm 03 xã đạt chuẩn NTM; 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 03 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 01 huyện đạt chuẩn NTM.

Hà Tĩnh province - Wikipedia

2. Quy Hoạch phát triển kinh tế

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020; tầm nhìn đến năm 2050; đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1786/QĐ-TTg ngày 27/11/2012.

Mục tiêu lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030; tầm nhìn đến năm 2050 là phát huy mọi tiềm năng; lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người đề xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh công nghiệp; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển bền vững về kinh tế; công bằng về xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ; và duyên hải miền Trung.

Tỉnh đặt mục tiêu năm 2025; GRDP bình quân đầu người cao hơn các tỉnh Bắc Trung Bộ và năm 2030; trở thành tinh khá của cả nước với GRDP bình quân gần 7.000 USD; nâng lên 17.700 USD vào năm 2045 và 26.000 USD vào năm 2050. Cũng theo tầm nhìn 2050, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%.

TRỌNG TÂM CỦA KINH TẾ HÀ TĨNH LÀ PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP

Hà Tĩnh hiện có 2 khu kinh tế trọng điểm Quốc gia là; Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; 2 khu công nghiệp Hạ Vàng và Gia Lách thuộc Quy hoạch khu công nghiệp Quốc gia; và 23 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; được tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu sẵn sàng triển khai các dự án.

Hà Tĩnh luôn đảm bảo cung cấp đầy đủ, an toàn dòng điện; nguồn nước cho sản xuất và dân sinh. Hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin phát triển nhanh, kết nối rộng khắp; đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc chất lượng cao trong nước và quốc tế. Tỉnh còn được biết đến là vùng đất giàu tài nguyên, khoáng sản như titan, vàng, mangan, granit; nước khoáng nóng…

Hà Tĩnh đã thành lập 7 KCN tại địa bàn thị xã Kỳ Anh và các huyện Kỳ Anh; Can Lộc và Nghi Xuân. 03 KCN được quy hoạch với tổng diện tích 766 ha, gồm: Khu công nghiệp Gia Lách; huyện Nghi Xuân (350 ha); Khu công nghiệp Hạ Vàng, huyện Can Lộc (300 ha); Khu công nghiệp Vũng Áng I, KCN Phú Vinh và KCN Hoành Sơn nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng; với tổng diện tích 357,76 ha; Khu công nghiệp Hạ Vàng và Khu công nghiệp Gia Lách; thuộc quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

1. Khu kinh tế và khu công nghiệp

Đến thời điểm hiện nay, tại các KKT và KCN Tinh có 189 dự án đầu tư còn hiệu lực; trong đó: KKT Vũng Áng thu hút 152 dự án đầu tư; gồm 57 dự án FDI với số vốn đăng ký 15.767,879 triệu USD; và 95 dự án DDI với số vốn đăng ký 60.194 tỷ đồng; KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thu hút 27 dự án DDI với số vốn đăng ký 2.199tỷ đồng; KCN Gia Lách thu hút 10 dự án DDI với số vốn đăng ký 825,9 tỷ đồng.

–  KKT Vũng Áng thu hút 18.128 người lao động đang làm việc (17.035 lao động Việt Nam; 1.093 lao động nước ngoài); KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và KCN Gia lách thu hút 1.278 người lao động.

Khu kinh tế Vũng Áng rộng hơn 22.700 ha, là một trong 8 nhóm KKT trọng điểm của quốc gia, với nhiều thế mạnh như trung tâm luyện gang thép lớn nhất Việt Nam, trung tâm năng lượng lớn và có nhiều lợi thế về hệ thống cảng biển nước sâu để phát triển dịch vụ logistics; KKT cửa khẩu Cầu Treo là một trong các cửa khẩu quốc tế trọng điểm của Việt Nam với vị trí thuận lợi cho việc giao lưu và phát triển hợp tác giữa Việt Nam với Lào và Thái Lan. KKT được coi là điểm đến hấp dẫn, thu hút hàng chục nhà đầu tư trong và ngoài nước, biến những vùng cát hoang vu “ngủ quên” bấy lâu trở thành vùng kinh tế động lực của Bắc Trung Bộ và cả nước.

Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo là một trong các cửa khẩu quốc tế trọng điểm của Việt Nam với vị trí thuận lợi cho việc giao lưu và phát triển hợp tác giữa Việt Nam với Lào và Thái Lan. Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã thống nhất chủ trương thành lập khu hợp tác kinh tế biên giới theo mô hình “Hai quốc gia một chính sách” nhằm đa dạng hóa thủ tục hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào và các nước trong khối ASEAN…

– HẾT-

Bài mới mỗi ngày

Không có nội dung
Translate »