VÀI NÉT TỔNG QUAN VỀ TỈNH HÀ NAM
1. Vị trí địa lý
Hà Nam nằm ở Tây Nam châu thổ sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cửa ngõ của thủ đô Hà Nội với diện tích đất tự nhiên 84.952 ha; có thị xã Phủ Lý là trung tâm kinh tế – chính trị – văn hoá của tỉnh, cách Hà Nội 58 km, tương lai không xa sẽ trở thành phố vệ tinh của Hà Nội. Hà Nam có mạng lưới giao thông rất thuận lợi, là tỉnh nằm trên trục đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 1A – huyết mạch giao thông quan trọng của cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu hợp tác kinh tế với các tỉnh, thành phố và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước cũng như từ đó tới các cảng biển, sân bay ra nước ngoài.
2. Đặc điểm địa hình
Hà Nam có địa hình đa dạng vừa có đồng bằng, có vùng bán sơn địa, vừa có vùng trũng. Vùng đồi núi phía Tây có nhiều tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là đá vôi, để phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là xi măng; cũng là vùng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Vùng đồng bằng có diện tích đất đai màu mỡ, bãi bồi ven sông Hồng, sông Châu, là tiền đề để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm và du lịch sinh thái. Địa hình đó là điều kiện để phát triển kinh tế đa dạng, với hướng kết hợp kinh tế vùng đồng bằng với kinh tế vùng đồi núi.
3. Danh sách các đơn vị hành chính của tỉnh Hà Nam
Tỉnh Hà Nam có 6 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 1 thành phố Phủ Lý, 1 thị xã Duy Tiên, 4 huyện: Bình Lục, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm. Với 109 đơn vị hành chính cấp xã với 5 thị trấn 20 phường và 83 xã. Hà Nam được xem là tỉnh có đơn vị hành chính ít nhất trong cả nước.
4. Khí hậu
Hà Nam cũng như các tỉnh đồng bằng sông Hồng có khí hậu mang đặc điểm của khí hậu nhiệt đới, gió mùa, mùa đông lạnh hơn nhiều với điều kiện trung bình cùng vĩ tuyến. Nhiệt độ trung bình khoảng 23°C, nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là tháng 1 khoảng 15,1°C và cao nhất là tháng 6 khoảng 29°C. Tổng giờ nắng trung bình khoảng 1.100 – 1.200 giờ. Lượng mưa trung bình năm 1.700 – 2.200 mm, song lượng mưa không đều tập trung 70% lượng mưa cả năm vào mùa hạ (từ tháng 5 đến tháng 10); mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, ít mưa khô lạnh.
5. Dân số của tỉnh Hà Nam
Theo số liệu điều tra dân số năm 2019 Hà Nam có 802.200 người, chiếm 3,8% dân số của đồng bằng sông Hồng. Mật độ dân số của tỉnh là 954 người/km2, có 81% dân số sống ở nông thôn.
19% dân số thành thị của tỉnh chủ yếu sống ở thành phố Phủ lý, thị xã Duy Tiên và các thị trấn như: Quế, Vĩnh Trụ, Bình Mỹ, Kiện Khê, Tân Thanh. Dân tộc chính ở Hà Nam là dân tộc kinh, toàn tỉnh có 7 tôn giáo khác nhau. Trong đó đạo Phật và đạo công giáo chiếm phần đông.
II. TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
1. Tài nguyên đất
Hà Nam có tổng diện tích đất tự nhiên là 84.952 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 47.206 ha, diện tích nuôi trồng thuỷ sản 4.529 ha; đất lâm nghiệp 9.635 ha; đất chuyên dùng 11.692 ha, đất ở 4.326 ha; đất chưa sử dụng 7.564 ha.
2. Tài nguyên khoáng sản
Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Hà Nam chủ yếu là đá carbonate (có trữ lượng trên 7,4 tỷ m³). Nguồn đá này cung cấp cho sản xuất xi măng, xây dựng, bột mịn cho xây trát, bột nhẹ thương phẩm. Đá quý (đá vân hồng tím nhạt ở huyện Thanh Liêm, Kim Bảng, có vỉa cao 60 m, dài 30 – 40 m, song cũng có vỉa dài tới gần 200 m. Đá vân mây da báo ở Thanh Liêm. Đá đen tập trung ở Bút Sơn. Đất sét với tổng trữ lượng 393,1 triệu tấn (trong đó, đất sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng 331 triệu tấn; đất sét làm gạch ngói 62 triệu tấn). Than bùn có trữ lượng trên 11 triệu m³ tại vùng Hồ Tam Chúc – Ba Sao, hồ Đồng Hán, Xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng (nguyên liệu này có thể làm phân vi sinh và một số chất phụ gia khác). Cát xây dựng ở Hà Nam rất dồi dào, đặc biệt là nguồn cát đen ở bãi ven sông Hồng dài 10 km, bãi sông Đáy, sông Châu, sông Nhuệ hàng năm cung cấp cho san lấp và xây dựng, có khả năng cung cấp cho tỉnh ngoài hàng triệu m³.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế
Công nghiệp chủ đạo của tỉnh là xi măng, vật liệu xây dựng. Công nghiệp dệt may và tiểu thủ công nghiệp với làng nghề dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên chuyên dệt lụa tơ tằm, đũi, quy mô hiện tại có 500 khung dệt, công suất đạt từ 850.000 – 1.000.000 mét lụa/năm; làng nghề dệt vải xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân chuyên sản xuất vải, khăn tắm, khăn ăn các loại; làng nghề thêu ren thủ công xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm với các sản phẩm thêu chăn, ga, gối, đệm, khăn ăn, khăn trang trí,… chủ yếu xuất sang châu Âu và Bắc Á (doanh thu mỗi năm làng nghề đạt 25 -30 tỷ đồng). Mây tre giang đan ở Hoàng Đông, Duy Tiên với các sản phẩm chủ yếu là hàng mây, giang, đan thủ công, thị trường tiêu thụ là ở châu Âu, châu Mỹ và một phần Bắc Á. Nghề sừng thủ công mỹ nghệ ở xã An Lão – Bình Lục, dùng nguyên liệu sừng động vật để chế tác ra các vật dụng trang trí, đồ dùng sinh hoạt, thị trường xuất khẩu chủ yếu của sản phẩm là Đông Âu, Bắc Á, doanh thu bình quân 1 năm từ 2 – 3 tỷ đồng.
2. Tiềm năng du lịch
Hà Nam có nhiều điểm sinh thái khá hấp dẫn như khu du lịch Ngũ Động Sơn có Đền Trúc thờ Lý Thường Kiệt, vị anh hùng dân tộc thời Lý. Ngũ Động Sơn là quả núi có 5 hang động nối liền nhau tạo thành một dãy hang động liên hoàn. Trên đỉnh núi có bàn cờ thiên tạo bằng đá, trong động có nhiều nhũ đá tạo vẻ đẹp huyền bí. Nhiều thi nhân và du khách đã từng qua đây dừng chân chiêm ngưỡng. Di tích này cánh thị xã Phủ Lý 7 km nằm sát với dòng sông Đáy và lại kề bên quốc lộ 21A.
Đền Trần Thương ở huyện Lý Nhân, thờ Quốc công Tiết Chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Đền được xây dựng năm 1783 với diện tích 1,4 ha. Riêng nội tự rộng 0,5 ha, kiến trúc của đền mang đậm nét nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Hàng năm ở đây có lễ tưởng niệm và liên hệ mật thiết với lễ hội ở Côn Sơn – Kiếp Bạc, Bảo Lộc – Nam Định
Hồ Tam Chúc ở xã Ba Soa, huyện Kim Bảng, diện tích mặt nước hồ 585 ha, diện tích phụ cận và khu du lịch sinh thái là 600 ha. Hiện nay, Nhà nước đang thi công dự án với kinh phí 90 tỷ đồng để hoàn thiện khâu đắp đập ngăn nước và giải phóng lòng hồ; tái tạo vùng du lịch bơi thuyền trên hồ nước, du lịch sinh thái 600 ha, du lịch thắng cảnh thiên nhiên núi rừng, du lịch leo núi… Cần đầu tư thêm 120 – 150 tỷ đồng để xây dựng các nhà nghỉ, khách sạn, sân gôn, quần vợt, cầu lông. Lòng hồ đang thiết kế công viên nước, nhà thủy tạ; khách có thể đến bơi thuyền du ngoạn, câu cá, sinh hoạt thể thao. Nơi đây cách chùa Hương 7 km, cách Hà Nội 70 km, Nam Định 40 km, Ninh Bình 45 km, Hưng Yên 40 km. Khu sinh thái “Hồ Tam Trúc” là điểm dừng chân cho khách nhiều tỉnh, là nơi dưỡng trí vào các ngày nghỉ cuối tuần của khách thập phương
Chùa Long Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, thường tổ chức lễ hội vào ngày 19 đến ngày 21 tháng 3 hàng năm. Lịch sử xây dựng chùa với tháp từ thế kỷ XI, tháp “sùng thiện diên linh” có nghệ thuật kiến trúc đặc trưng thời Lý, xây dựng xong vào năm 1121. Tháp cao 13 tầng, mở 40 cửa, đỉnh tháp có xá lỵ được niêm cất, toả trường quang cho đời Thịnh sau này. Di tích Long Đọi Sơn được xếp hạng từ năm 1992. Hàng năm có trùng tu, tôn tạo để gìn giữ cho muôn đời sau. Năm 2002 được Nhà nước và tỉnh quan tâm, dự án đầu tư được duyệt với mức vốn 18 tỷ đồng. Thời gian thi công đảm bảo kịp với kỷ niệm 1.000 Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.
Khu trung tâm du lịch thị xã Phủ Lý được xây dựng bên cạnh dòng sông Đáy, giáp cửa sông Châu. Tại đây có khách sạn 5 sao, 11 tầng, có khu bến thuỷ phục vụ du thuyền đi chùa Hương, Ngũ Động Sơn, chùa Bà Đanh, hang Luồn. Mỗi năm, du lịch Hà Nam đưa tiễn khách vào chùa Hương bằng đường bộ và đường thủy tới hàng chục nghìn du khách. Ngoài ra, đây còn là địa điểm bơi thuyền dọc sông Châu, sông Đáy vãn cảnh non nước vùng quê hương Hà Nam.
Làng kho cá Vũ Đại nổi tiếng gần xa bao đời nay bởi công thức kho cá đặc biệt không nơi nào có được. Cá Kho làng Vũ Đại cũng là một món đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hà Nam từ xưa đến nay.
Xây dựng thương hiệu mang tầm quốc tế
Trên cơ sở những gì đã và đang làm để phát triển du lịch, theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hà Nam đã và đang cụ thể hóa Nghị quyết số 07 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 19 về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2015 – 2020, hướng đến mục tiêu: phát triển du lịch tỉnh Hà Nam phù hợp Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Hà Nam đã tập trung xây dựng, phát triển khu du lịch Tam Chúc với các mục tiêu cụ thể: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án khu du lịch Tam Chúc để phấn đấu đến năm 2020 đón 1,8 triệu lượt khách, đưa tổng số khách du lịch trên địa bàn đạt 2,5 triệu lượt người/năm, doanh thu từ du lịch tăng bình quân từ 20-25% năm. Đến năm 2025, tổng số du khách du lịch đến Hà Nam đạt 5 triệu lượt người/năm.
Vậy, làm thế nào để phát huy các tiềm năng du lịch, tăng sức hấp dẫn các sản phẩm du lịch sẵn có để thu hút khách vẫn là sự trăn trở của những người làm du lịch Hà Nam. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam Lê Xuân Huy cho biết: Thời gian tới, Hà Nam tiếp tục khai thác hiệu quả những thắng cảnh mà thiên nhiên ưu đãi, cùng với xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang dấu ấn địa phương, tăng cường liên kết hợp tác, đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá…
Vì vậy, phát triển du lịch được tỉnh Hà Nam xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển con người. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phù hợp tiềm năng, thế mạnh của từng vùng.
Để sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và phấn đấu đến năm 2023 đưa Quần thể Khu du lịch Tam Chúc thành Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Hà Nam đang tập trung triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế để kết nối với các vùng, các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch bền vững.
Cùng với đó, tỉnh Hà Nam cũng dừng các mỏ đá đang khai thác nằm trong vùng quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Tam Chúc, để bảo vệ môi sinh, môi trường đáp ứng cho Quần thể Tam Chúc thành Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, bảo đảm môi trường sinh thái của tỉnh.
IV. THỰC TRẠNG, TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2016
1. Đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp:
Đến hết năm 2016, có 06 Khu công nghiệp đi vào hoạt động với cơ sở hạ tầng đồng bộ bao gồm hệ thống giao thông, thoát nước mưa, nước thải, điện chiếu sáng, trạm xử lý nước thải (04 KCN có trạm xử lý nước thải đang vận hành; Khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III và KCN Đồng Văn IV đang tiến hành đầu tư xây dựng),… và hạ tầng dịch vụ như điện, nước sạch, viễn thông,.. được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, cụ thể:
1.1. KCN Đồng Văn I: Tổng diện tích 221,2 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 157,67ha. Đến hết năm 2016, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%.
1.2. KCN Đồng Văn II: Tổng diện tích 320 ha, trong đó đất công nghiệp là 237,97ha. Đến hết năm 2016, tỷ lệ lấp đầy đạt 85,4%.
1.3. KCN Châu Sơn: Tổng diện tích 325,1 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 238,48ha. Đến hết năm 2016, tỷ lệ lấp đầy đạt 74,6%.
1.4. KCN Hòa Mạc: Tổng diện tích 131ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 87,84ha. Đến hết năm 2016, tỷ lệ lấp đầy đạt 54,8%.
1.5. KCN hỗ trợ Đồng Văn III: Tổng diện tích 300ha, trong đó giai đoạn I là 131,5ha, với diện tích đất công nghiệp là 99,67ha. Đến hết năm 2016, đã triển khai cơ bản đồng bộ hạ tầng giai đoạn I và cho 03 nhà đầu tư thuê 6,5ha.
1.6. KCN Đồng Văn IV: Tổng diện tích 300ha, với diện tích đất công nghiệp là 227,27ha. Đến hết năm 2016, đã GPMB và đầu tư xây dựng hạ tầng trên diện tích khoảng 100 ha và đã cho 03 nhà đầu tư thuê đất với tổng diện tích 7,1 ha.
2. Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động của KCN và cải thiện môi trường đầu tư:
Nhiều công trình giao thông quan trọng hoàn thành (cải tạo QL1A, QL38, Cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình) hoặc đang được triển khai thực hiện (đường nối 2 cao tốc, cầu Thái Hà….) đã rút gắn được khoảng cách và thời gian di chuyển từ tỉnh đến sân bay, cảng biển và các trung tâm kinh tế của đất nước tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương.
Về cung cấp điện: Các đơn vị cung cấp điện đã tập trung nguồn vốn cải tạo, nâng cấp, bổ sung các trạm biến áp; chủ động tích cực trong việc lập dự án, kịp thời xây dựng các đường dây và trạm biến áp 35kV, 110 kV cấp điện đến chân hàng rào cho các doanh nghiệp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho hoạt động sản xuất trong Khu công nghiệp.
Dịch vụ bưu chính viễn thông từng bước nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng cho nhu cầu thông tin liên lạc của doanh nghiệp. Tại các KCN đều có trên 2 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cho các doanh nghiệp lựa chọn sử dụng.
Dịch vụ cấp nước sạch ngày càng được nâng cấp cả về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp. Tại một số Khu công nghiệp đã duy trì và phát triển đồng thời hai mạng lưới cấp nước sạch do hai đơn vị cung cấp khác nhau để cho doanh nghiệp lựa chọn. Hệ thống thu gom, xử lý nước thải được quan tâm đầu tư đồng bộ.
Đã xây dựng cơ chế thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở các tuyến xe đưa đón công nhân tại các Khu công nghiệp trên địa bàn.
Tăng cường đào tạo theo địa chỉ, gắn việc đào tạo của các trường với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Thực hiện Đề án đào tạo 1.000 lao động ngành công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản. Triển khai hợp tác đào tạo lao động cho doanh nghiệp Hàn Quốc. Chủ động, tích cực phối hợp tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp trong KCN.
Hàng năm đã tổ chức các Hội nghị XTĐT trong và ngoài nước để giới thiệu môi trường đầu tư và kêu gọi thu hút các nhà đầu tư về đầu tư tại tỉnh, đặc biệt tập trung vào các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Định kỳ hàng năm tổ chức các hội nghị gặp mặt và đối thoại với các doanh nghiệp. Các ngành, các cấp đã thực hiện tốt Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 10 cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư; có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, nộp ngân sách lớn; tổ chức triển khai các Nghị quyết của Chính phủ.
Do đó môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện rõ nét, nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc.
3. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và chất lượng hoạt động của doanh nghiệp trong Khu công nghiệp:
Lãnh đạo tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư; xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về KCN và hoạt động của doanh nghiệp.
Thẩm định chặt chẽ các tiêu chí về công nghệ, môi trường, hiệu quả sử dụng đất, năng lực tài chính… khi xem xét dự án đầu tư. Yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết, đặt cọc để đảm bảo tiến độ đầu tư khi được chấp thuận dự án. Đồng thời thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; kiên quyết thu hồi đất, chấm dứt ưu đãi đầu tư đối với trường hợp vi phạm pháp luật, hoạt động hiệu quả thấp, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN.
Ban quản lý các KCN hàng tuần báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong KCN, Cục Thuế thường xuyên tổng hợp báo cáo việc chấp hành pháp luật về thuế của các doanh nghiệp để có biện pháp chỉ đạo xử lý kịp thời các vấn đề, vướng mắc phát sinh.
4. Về thu hút đầu tư:
Đến tháng 12/2016, các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 258 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 155 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn đăng ký là 1.979,6 triệu USD và 102 dự án đầu tư trong nước, vốn đầu tư đăng ký là 14.366,1 tỷ đồng.
Giai đoạn 2011 – 2016, các KCN đã thu hút được 166 dự án đầu tư, trong đó có 125 dự án FDI, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 85 lượt dự án. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm là 9.346,45 đồng và 1.731,74 triệu USD.
Trong tổng số 166 dự án đã thu hút giai đoạn 2011-2015 có 121 dự án thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, còn lại là các ngành nghề khác. Tuy nhiên, đa số các dự án thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp chế biến, chế tạo là các dự án lắp ráp, gia công, chưa có nhiều dự án sản xuất.
5. Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp:
– Giá trị sản xuất công nghiệp trong các năm qua tăng nhanh, với tốc độ bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 19,7%/năm, ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, cụ thể: Đến năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp, đạt 29.849 tỷ đồng (giá so sánh 2010), chiếm 71,3% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh (toàn tỉnh đạt 41.854 tỷ đồng); năm 2016 ước đạt 35.100 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2015.
– Nộp ngân sách: Các KCN ngày càng đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước: năm 2011 đạt 499,7 tỷ đồng đến năm 2015 đã là 1.300 tỷ đồng (gồm thuê nội địa và thuế XNK) chiếm 35,2% tổng thu ngân sách tỉnh; năm 2016, đạt 1.521 tỷ đồng.
– Giá trị xuất khẩu tăng trưởng nhanh với tốc độ bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 35,1%/năm, cụ thể: Năm 2011, đạt 189,5 triệu USD, đến năm 2015 đạt 878,5 triệu USD chiếm 84,0% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh (1.045,3 triệu USD); năm 2016 đạt 1.161 triệu USD.
– Tình hình thu hút và sử dụng lao động: Bình quân giai đoạn 2011-2016 các Khu công nghiệp đã thu hút và giải quyết việc làm mới cho 5.025 lao động/năm, đến tháng 12/2016 tổng số lao động làm việc trong các KCN là 48.625 lao động.
V. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM ĐẨY MẠNH THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO KHU CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2017-2020
Các Khu công nghiệp của tỉnh có tiềm năng và lợi thế để tạo lập môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư trong thời gian tới. Với vị trí địa lý rất thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội và giao thương với các vùng trọng điểm kinh tế. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định, thủ tục hành chính luôn được cải thiện nhằm tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Trong những năm qua, các KCN đã thu hút được một số dự án lớn như: Công ty Honda, Công ty KMW, Công ty dệt Đài Nguyên, Công ty SSC.., từ đó có hiệu ứng lan tỏa tích cực, thu hút các dự án đầu tư hỗ trợ, chế biến, chế tạo khác.
Tuy nhiên, xu hướng dòng vốn đầu tư chất lượng cao hướng tới lựa chọn những địa điểm có nhiều lợi thế cạnh tranh động (chính sách ưu đãi, nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ sẵn có,…) thay vì chỉ dựa vào lợi thế so sánh như trước đây (vị trí địa lý, nguồn nhân công giá rẻ,…). Vì vậy, lợi thế so sánh của Hà Nam trong thời gian tới sẽ bị tác động.
Bên cạnh đó, quá trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới mở ra những thuận lợi mới thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng đồng thời cũng tạo sức ép cạnh tranh quyết liệt. Nằm gần các trung tâm kinh tế lớn phát triển năng động và mạnh mẽ là thủ đô Hà Nội và Hải Phòng, đó là một lợi thế cũng là một thách thức lớn đối với tỉnh Hà Nam về cạnh tranh kêu gọi vốn đầu tư, tìm kiếm thị trường.
Trước những thuận lợi, thách thức đan xen cần xác định các định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp phù hợp để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững trong thời gian tới.
1. Phương hướng:
– Phát triển các KCN trên cơ sở bảo vệ, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tối đa tài nguyên thiên nhiên, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
– Phấn đấu phát triển các KCN của tỉnh trở thành các khu công nghiệp hiện đại, đảm bảo tính phát triển lâu dài và bền vững, có cơ cấu ngành hiện đại theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, chế biến, chế tạo, tiết kiệm năng lượng…
– Phấn đấu nâng giá trị sản xuất công nghiệp trong các Khu công nghiệp đến năm 2020 chiếm trên 75% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
2. Mục tiêu:
2.1. Mục tiêu chung:
– Phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững, gắn phát triển khu công nghiệp với việc thực hiện các mục tiêu ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
– Tập trung và ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường đầu tư vào các Khu công nghiệp.
2.1. Mục tiêu cụ thể:
– Đến hết năm 2019 hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của KCN hỗ trợ Đồng Văn III, KCN Đồng Văn III mở rộng và KCN Đồng Văn IV cơ bản được đầu tư đồng bộ. Đến hết năm 2020 cơ sở hạ tầng kỹ thuật của KCN Đồng Văn I mở rộng về phía Đông, KCN Thanh Liêm được xây dựng cơ bản đồng bộ (có nhà máy xử lý nước thải) đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
– Giai đoạn 2017 – 2020, thu hút thêm khoảng 130-150 dự án đầu tư vào KCN, với tổng vốn đầu tư đăng ký từ 40.000 – 45.000 tỷ đồng, trong đó tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt từ 1.500 – 1.800 triệu USD.
– Đến hết năm 2020 phấn đấu lấp đầy 100% diện tích các KCN Đồng Văn II, KCN Châu Sơn, KCN Hòa Mạc và KCN hỗ trợ Đồng Văn III giai đoạn I; lấp đầy 30- 50% diện tích đất công nghiệp của các KCN Đồng Văn I mở rộng về phía Đông; KCN Đồng Văn III mở rộng, KCN Đồng văn IV.
– Đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) trong KCN đạt khoảng 60.000 tỷ đồng chiếm khoảng 75% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh (trong đó tỷ trong các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo đạt từ 65% đến 70%); tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2020 là 18,0%.
– Đóng góp ngân sách của các doanh nghiệp KCN năm 2020 đạt khoảng 3.100 tỷ đồng (bao gồm thu nội địa và XNK).
– Năm 2020 giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp KCN đạt từ 1,7-2,0 tỷ USD chiếm trên 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
– Giai đoạn 2017 – 2020, các Khu công nghiệp thu hút thêm khoảng 25.000 lao động vào làm việc, nâng tổng số lao động làm việc trong các Khu công nghiệp lên khoảng 75.000 người
3. Nhiệm vụ:
– Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN đã được Chính phủ phê duyệt để có sẵn mặt bằng sạch, hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư. Đẩy mạnh đầu tư, nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào KCN. Phát triển mạnh và đồng bộ các dịch vụ hỗ trợ, như: Điện, nước, dịch vụ viễn thông, vận tải, nhà ở cho công nhân, cảng thông quan..
– Thực hiện đồng bộ, đa dạng các hình thức xúc tiến đầu tư. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, chế biến, chế tạo, công nghiệp sạch, các dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.
– Thực hiện rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN.
– Đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động của nhà đầu tư và của các doanh nghiệp.
– Chuẩn bị, đào tạo đủ nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho nhu cầu của các doanh nghiệp. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
4. Giải pháp:
4.1. Tập trung xây dựng đồng bộ hạ tầng các Khu công nghiệp và hạ tầng kết nối liên vùng:
– Gắn quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển vùng Thủ đô; quy hoạch khu đô thị dân cư và dịch vụ kèm theo để phát triển thành đô thị công nghiệp, đảm bảo sự phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật – xã hội trong và ngoài hàng rào KCN.
– Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cấp chất lượng các tuyến đường giao thông kết nối từ các KCN với mạng lưới giao thông quốc gia, kết nối với sân bay, cảng biển.
– Huy động mọi nguồn lực để tổ chức đầu tư đồng bộ hạ tầng KCN với phương châm giảm tối đa chi phí đầu tư nhằm tăng mức độ cạnh tranh về chi phí hạ tầng so với các địa phương lân cận; đảm bảo cân đối việc xây dựng kết cấu hạ tầng bên trong và ngoài hàng rào của khu, trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, lao động và đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư và hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các KCN tạo mặt bằng sạch có đầy đủ hạ tầng sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư.
– Các Sở, ngành phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và giải thích cho người dân có đất bị thu hồi hiểu và nắm rõ các cơ chế, chính sách của nhà nước, của tỉnh khi thu hồi GPMB để thực hiện các dự án phát triển KCN.
4.2. Tăng cường hiệu quả công tác thu hút đầu tư:
– Xây dựng và cập nhật thường xuyên tài liệu phục vụ cho công tác xúc tiến đầu tư (tài liệu giới thiệu về thu hút đầu tư vào KCN). Giới thiệu, tuyên truyền và quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư tại các KCN tỉnh Hà Nam trên các phương tiện thông tin truyền thông của Trung ương và của tỉnh.
– Đa dạng hóa các hình thức quảng bá, xúc tiến đầu tư. Chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến, vận động đầu tư trong và ngoài nước; tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ của các tổ chức kinh tế, thương mại, ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam và của Việt Nam tại nước ngoài, nhất là các tổ chức của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Châu Âu, các nhà đầu tư đã thành công tại Hà Nam để giới thiệu về môi trường đầu tư tại Hà Nam.
– Phối hợp với các cơ quan Trung ương, các địa phương trọng điểm phát triển kinh tế như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để mời gọi các tập đoàn lớn trong nước về đầu tư tại các KCN của tỉnh.
– Tiếp tục nhất quán thực hiện nghiêm 10 cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, phù hợp với yêu cầu, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng, đảm bảo môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn và bền vững.
– Nâng cao hiệu quả của hệ thống các trang thông tin điện tử giới thiệu về các KCN của tỉnh phục vụ mục tiêu thu hút đầu tư.
– Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông”, tăng cường công tác cải cách hành chính, giải quyết nhanh, gọn các thủ tục chấp thuận đầu tư.
– Đa dạng hóa các loại hình cho thuê đất, cho thuê nhà xưởng để các nhà đầu tư lựa chọn.
4.3. Chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng cả về số lượng và chất lượng:
– Chú trọng công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; tiếp tục triển khai và phát triển có hiệu quả chương trình đào tạo lao động cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp tại các KCN.
– Đẩy mạnh công tác đầu tư hạ tầng và thu hút các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở đào tạo nghề chuyên sâu trong và ngoài nước về đầu tư xây dựng cơ sở tại Khu Đại học Nam Cao.
– Tập trung nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và các trường, viên nghiên cứu có vốn đầu tư nước ngoài tạo lập các cơ sở đào tạo, các hoạt động R&D trong lĩnh chuyên ngành điện, điện tử và viễn thông. Trong đó chú trọng việc kết nối, liên kết trong đào tạo giữa doanh nghiệp, nhà trường và người lao động thông qua các hợp đồng và cam kết của các bên được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
4.4. Củng cố và nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp:
– Đẩy mạnh đầu tư mở rộng, nâng cấp và cải thiện chất lượng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào Khu công nghiệp. Phát triển mạnh và đồng bộ các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp như: Điện, nước, dịch vụ viễn thông, vận tải, nhà ở cho công nhân, cảng thông quan, cảng sông (Yên Lệnh),…
– Nghiên cứu xây dựng các cơ chế hiệu quả, tích cực thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, Nhà đầu tư triển khai dự án xây dựng nhà ở cho công nhân, dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị cao cấp dành cho chuyên gia nước ngoài và người có thu nhập cao; quan tâm phát triển đồng bộ các dịch vụ liên quan như: Y tế, giáo dục,… phục vụ hoạt động của các KCN.
– Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm hoàn thành các dự án lớn của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu các dịch vụ có chất lượng cao như Bệnh viện, Sân golf, Khách sạn cao cấp, Trung tâm thương mại… để nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ phục vụ đời sống cho các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài.
– Khuyến khích và có cơ chế phù hợp kêu gọi đầu tư cảng ICD để hình thành dịch vụ logistics từ doanh nghiệp- cảng ICD- cửa khẩu nhằm giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp.
– Tạo cơ chế, chính sách về mặt bằng để khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng, thanh toán mở các cơ sở tại các KCN cung cấp đầy đủ các dịch vụ dịch vụ gia tăng khác như thanh toán quốc tế, bảo lãnh tín dụng, tư vấn tài chính, hợp đồng tín dụng tương lai,… với chất lượng cao và chi phí cạnh tranh phục vụ cho hoạt động của các doanh nghiệp.
4.5. Tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tăng cường các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp:
– Tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp và hoạt động doanh nghiệp. Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động, duy trì các kênh đối thoại với các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm của nhà đầu tư.
– Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động của nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong KCN, đồng thời giảm tối đa các chi phí không chính thức phát sinh trong hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN.
– Điều tiết hợp lý nguồn điện năng và đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện để ưu tiên bảo đảm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tập trung ưu tiên cấp điện ổn định và đầy đủ cho các KCN, hạn chế tối đa việc cắt điện và tình trạng mất điện trong KCN.
– Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế và có chính sách hỗ trợ để phát triển mạnh hệ thống tiếp thị, xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong KCN phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cả nội địa và xuất khẩu. Xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để làm cơ sở cho việc giới thiệu, tạo các mối liên kết trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp KCN với nhau, cũng như giữa các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp với doanh nghiệp bên ngoài.