ĐÔI NÉT VỀ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Trong phạm vi khu vực và quốc tế, Đà Nẵng là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) với điểm kết thúc là Cảng Tiên Sa. Nằm trên một trong những tuyến đường biển và đường hàng không quốc tế trọng yếu, thành phố Đà Nẵng có một vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi cho việc phát triển sôi động và bền vững.
Vị trí thành phố Đà Nẵng ở Đông Nam Á
Bản đồ vị trí thành phố Đà Nẵng ở Việt Nam
Với vị trí chiến lược của mình, Đà Nẵng là một Trung tâm phong cách sống quốc tế và Trung tâm dịch vụ cho miền Trung Việt Nam và khu vực Đông Dương.
Nằm trên bờ Biển Đông và là cửa ngõ của Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC), Đà Nẵng có tiềm năng trở thành một phần không thể thiếu trong mạng lưới chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.
Đặc biệt, Đà Nẵng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng cho Lào (quốc gia không giáp biển) và là tuyến đường thay thế giúp Thái Lan và Myanmar tiếp cận Biển Đông. Ngoài ra, Đà Nẵng có các đường bay trực tiếp đến các trung tâm khu vực khác như Thẩm Quyến, Băng Cốc, Hồng Kông và Singapore. Đây là cơ hội để Đà Nẵng phát triển một cụm logistics và trung tâm thương mại hiện đại phục vụ Đông Nam Á thông qua kết nối đường bộ, đường hàng không và đường biển.
Trong phạm vi Việt Nam, Đà Nẵng đã được định hình là một nút đô thị quan trọng tại miền Trung Việt Nam để bổ sung cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo bề dày lịch sử, Đà Nẵng là trung tâm thương mại, công nghiệp và giáo dục ở miền Trung Việt Nam.Với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Đà Nẵng có tiềm năng củng cố vị thế là trung tâm kinh tế, thương mại và dịch vụ của miền Trung Việt Nam.
Vị trí thành phố Đà Nẵng trong Châu Á – Thái Bình Dương
Vị trí thành phố Đà Nẵng trong hành lang kinh tế Đông Tây của ASEAN
Vị trí thành phố Đà Nẵng tại Việt Nam và các quốc gia lân cận
+ Trong bán kính 300km từ Đà Nẵng có nhiều thành phố lớn có thể đóng vai trò là thị trường và khu vực tiềm năng cho các sản phẩm và dịch vụ của Đà Nẵng. Đồng thời, cũng là đối tác chính cho thương mại và hợp tác giữa Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam và khu vực Đông Dương rộng lớn hơn. Các chi tiết của các nút đô thị khu vực chính trong phạm vi 300km được xác định trong Hình I.6.
Đáng chú ý, Pakse_thành phố lớn thứ hai của Lào là đối tác có tiềm năng lớn nhất trong liên kết thương mại và du lịch. Do đó, việc tận dụng khoảng cách gần với Pakse là rất quan trọng trong việc mở rộng giao thương và kết nối Đà Nẵng với Lào và khu vực Đông Dương rộng lớn hơn.
Trong miền Trung Việt Nam, một số thành phố lớn có tiềm năng hợp tác với Đà Nẵng để trở thành khu vực dịch vụ và việc làm rộng lớn bao gồm Huế, Hội An, Tam Kỳ và Quảng Ngãi. Đà Nẵng cần định vị sự phát triển trong tương lai để khai thác và bổ sung cho các trung tâm đô thị này thông qua đẩy mạnh hơn kết nối, hợp tác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Các nút đô thị trong bán kính 300 km quanh Đà Nẵng
HIỆN TRẠNG KINH TẾ ĐÀ NẴNG
– Tăng trưởng và nguồn tăng trưởng
Trong những năm qua, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, tương đối toàn diện, trở thành một thành phố biển năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh. Kinh tế thành phố duy trì ở mức tăng trưởng khá cao. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) giai đoạn 2010-2020 ước tăng bình quân 7,75%/năm (chưa ước tính hậu quả đại dịch Covid-19), năm 2019 đạt 69.197 tỷ đồng, gấp khoảng 2 lần so với năm 2010; GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 103 triệu đồng, gấp khoảng 2,6 lần năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và phù hợp hơn, ước tính khu vực dịch vụ chiếm 64,56%; khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 22,32% (trong đó công nghiệp là 16,57%); khu vực thủy sản – nông – lâm chiếm 1,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 11,39% GRDP. Đà Nẵng đã bước đầu hình thành những ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, dịch vụ thương mại, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hạ tầng kinh tế – xã hội, diện mạo đô thị có nhiều thay đổi tích cực và tương đối hiện đại.
Tuy nhiên, quy mô kinh tế trên địa bàn Đà Nẵng còn khá khiêm tốn trong cơ cấu chung của nền kinh tế Việt Nam; tuy dẫn đầu vùng KTTĐMT, nhưng khoảng cách không lớn. GRDP của thành phố Đà Nẵng hiện chiếm 1,4% so với GDP cả nước, tuy xếp đầu ở vùng KTTĐMT nhưng chỉ xếp thứ 04 khi so sánh trong quy mô GRDP của 05 thành phố trực thuộc trung ương.
Đà Nẵng không phải nền kinh tế có quy mô lớn về vốn, lao động và độ mở nền kinh tế nhưng có ưu thế về số lượng doanh nghiệp. Vốn đầu tư, lao động và độ mở của Đà Nẵng chỉ chiếm có tỷ lệ 1,7%, 0,99%, 0,85% của Việt Nam, nhưng lại chiếm vị trí đầu của vùng KTTĐMT.
Đóng góp của các yếu tố vốn chiếm 50,4% trong cơ cấu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong khi đó đóng góp của lao động là 21% và TFP là 28,6%. Tỷ trọng đóng góp của TFP đã có cải thiện đáng kể so với giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2011-2015, cơ cấu tăng trưởng kinh tế tương ứng là 59,5%; 25,4%; và 15,1%.
Trong tổng vốn thực hiện, vốn đầu tư từ nguồn NSNN còn thấp, bình quân 5 năm 2016-2020 ước khoảng 12,8% trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội.
Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng bình quân của vốn đầu tư công tích luỹ là 5,6%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP.
Bình quân mỗi năm vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tăng thêm 1% thì đóng góp khoảng 0,08 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP toàn thành phố.
– Cơ cấu kinh tế và lĩnh vực
Cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch theo hướng “Dịch vụ – công nghiệp – thủy sản, nông, lâm”, năm 2020 khu vực dịch vụ ước đạt 64,22%; khu vực công nghiệp – xây dựng ước đạt 22,78% (trong đó công nghiệp khoảng 16,6%); khu vực nông nghiệp ước đạt 1,93%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 11,07%. Cơ cấu các thành phần kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, các loại hình doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế thành phố; năm 2010, trong tổng GRDP thành phố (giá hiện hành), kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng 31,89%, kinh tế ngoài nhà nước chiếm 51,46% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 6,14%; đến năm 2019, kinh tế nhà nước ước chiếm 22,76%, kinh tế ngoài nhà nước ước chiếm 55,32% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước chiếm 10,56%.
Các lĩnh vực du lịch, thương mại, các ngành dịch vụ chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh, nhất là vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, giáo dục – đào tạo, y tế phát triển theo chiều sâu, có vị trí ngày càng quan trọng. Trong đó:
Dịch vụ du lịch phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và quan trọng, bước đầu đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch lớn của khu vực và cả nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Dịch vụ thương mại phát triển nhanh, dần định hình được vị trí, vai trò trung tâm mua sắm, phân phối, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ khu vực miền Trung.
Các ngành dịch vụ chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh, nhất là thông tin và truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, giáo dục-đào tạo, y tế được tập trung đầu tư phát triển, từng bước tạo lập vai trò trung tâm của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Các ngành công nghiệp, công nghiệp công nghệ thông tin và công nghiệp công nghệ cao được chú trọng phát triển. Kinh tế biển và cảng biển có bước phát triển, hạ tầng kỹ thuật phục vụ kinh tế biển được đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả. Lĩnh vực nông nghiệp phát triển khá ổn định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tập trung phát triển các sản phẩm hữu cơ phục vụ du lịch và đô thị, chú trọng nông nghiệp công nghệ cao; hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Nhìn chung đóng góp chính cho sự tăng trưởng của kinh tế Đà Nẵng là lĩnh vực sản xuất, thương mại và kinh doanh dịch vụ như được trình bày dưới đây:
So sánh kinh tế Đà Nẵng với TP. Hồ Chí Minh có thể nhận thấy GRDP bình quân đầu người của Đà Nẵng thấp hơn 2 lần trong khi mức độ tăng trưởng kinh tế tương tự nhau. Nền kinh tế Đà Nẵng bị chi phối bởi sản xuất với tỷ lệ cao là 26%, nhưng một khi nền kinh tế phát triển hơn thì nguồn đóng góp chính cho GRDP cũng sẽ chuyển đổi sang ngành kinh tế bền vững hơn, như Auckland (New Zealand) hoặc Singapore, giảm lĩnh vực sản xuất và tăng công nghệ thông tin, dịch vụ kinh doanh R&D và Thương mại. Sự chuyển đổi này sẽ được hậu thuẫn bởi các phát triển hiện tại là Khu Công nghệ cao và các Khu Công viên phần mềm.
DU LỊCH ĐÀ NẴNG
Bản đồ không gian du lịch Đà Nẵng hiện tại
Thời gian qua, du lịch Đà Nẵng có sự phát triển nhanh chóng với sản phẩm đặc trưng, môi trường an toàn, người dân thân thiện, mến khách, tạo dựng được thương hiệu để cạnh tranh quốc tế, làm động lực lan tỏa thúc đẩy nhiều ngành khác cùng phát triển.
Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng trong giai đoạn 2010 – 2019 đạt 20,66%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân khách quốc tế đạt 27,34%/năm, khách nội địa đạt 17,68%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng thu du lịch giai đoạn này đạt 29,11%/năm.*Chi tiêu bình quân khách năm 2019 đạt hơn 3,5 triệu đồng, tăng hơn 2,8 triệu đồng so với năm 2010. Ngày lưu trú năm 2019 đạt 2,68 ngày, tăng 0,61 ngày so với năm 2010. Theo kết quả điều tra khảo sát du lịch năm 2019, tỷ trọng đóng góp trực tiếp của ngành du lịch trong GRDP thành phố năm 2019 đạt 13,6%, gián tiếp đạt 17,7%. Xét về thị phần, lượng khách du lịch phổ thông tại Đà Nẵng vẫn cao hơn nhiều so với khách có khả năng chi trả cao.
Tốc độ tăng trưởng bình quân cơ sở lưu trú du lịch tại Đà Nẵng giai đoạn 2010 – 2019 đạt 19,2%/năm. Tổng số cơ sở lưu trú du lịch năm 2019 là 943 cơ sở với 40.074 phòng, tăng 762 cơ sở với 33.985 phòng so với năm 2010, trong đó, cơ sở lưu trú 4-5 sao và tương đương là 89 cơ sở với 16.451 phòng, tăng 83 cơ sở với 15.317 phòng so với năm 2010.
Ngành du lịch Đà Nẵng tạo được thương hiệu du lịch trong nước và quốc tế, được bình chọn, đánh giá với danh hiệu ấn tượng.
Việc đầu tư phát triển du lịch đã cơ bản được thực hiện, đảm bảo đúng định hướng trong Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, thu hút nhiều nguồn đầu tư vào các dự án du lịch khu vực, mang lại lợi ích kinh tế, nhưng tiềm năng và tài nguyên du lịch chưa được khai thác và phát huy đầy đủ.
Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư tương đối hiện đại, đồng bộ, tuy nhiên, trước sự tăng trưởng nóng của ngành du lịch, những năm gần đây đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu quá tải như tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường trung tâm thành phố, thiếu bãi đỗ xe, hạ tầng thu gom và xử lý nước thải cũng đang chịu áp lực lớn, đặc biệt là khu vực ven biển phía Đông… Hạ tầng giao thông phục vụ du lịch đường thủy nội địa còn chưa hoàn thiện, chưa có cảng biển chuyên dụng phục vụ du lịch.
Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch được đầu tư, nâng cấp về chất lượng, quy mô, đa dạng về loại hình từ bình dân đến cao cấp với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng thế giới như: Hilton, Accor, Marriott, Sheraton… Tuy nhiên, việc phát triển nhanh về số lượng phòng đã dẫn đến tình trạng “cung” vượt “cầu”. Hiện nay, tại thành phố có một số khu điểm tham quan, du lịch đặc sắc như SunWorld Bà Nà Hills, SunWorld Đà Nẵng Wonders, Khu suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Khu du lịch Hòa Phú Thành, Khu di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng…, tuy vậy, phần lớn các cơ sở tham quan, vui chơi, giải trí, mua sắm vẫn nằm ở quy mô nhỏ, thiếu sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm du lịch mới chậm hình thành để có thể tạo sức hấp dẫn, cạnh tranh với các điểm đến khác.
Đà Nẵng còn nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch mới, giúp nâng khả năng chi tiêu và thời gian lưu trú, hướng đến dòng khách cao cấp như du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch thủy nội địa, du lịch đô thị, M.I.C.E, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng cao cấp… Đặc biệt, kinh tế ban đêm là lĩnh vực có thể mang lại nguồn thu không nhỏ, nhất là với các điểm đến du lịch. Vì vậy, cần thiết phải quy hoạch các khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt, hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, đồng thời ưu tiên dành quỹ đất cho các dự án tạo sản phẩm du lịch quy mô lớn, chất lượng cao.
VĂN HÓA
Mạng lưới cơ sở thể thao, tôn giáo, văn hóa hiện trạng
– Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa
Đến nay trên địa bàn thành phố có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 55 di tích cấp thành phố và 40 di tích nằm trong danh mục kiểm kê.
Nghề đá mỹ nghệ Non Nước, nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng, lễ hội Cầu ngư đều đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các lễ hội đình làng, lễ hội cầu ngư truyền thống… tại các quận, huyện đều được duy trì và tổ chức theo định kỳ hàng năm.
Hiện nay, thành phố cũng đã đầu tư xây dựng nhiều bảo tàng lớn để phục vụ nhu cầu văn hóa cho nhân dân như: Bảo tàng Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật,…
– Các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp
Ở Đà Nẵng hiện tồn tại 03 cơ sở hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp là nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, nhà hát Trưng Vương, Cung văn hóa thiếu nhi Đà Nẵng. Trong đó nhà hát Trưng Vương hiện nay đã trở thành đơn vị tổ chức sự kiện có uy tín và mang tính chuyên nghiệp cao trên địa bàn thành phố, được nhiều cơ quan, đơn vị tin tưởng, phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa, liên hoan nghệ thuật ca, múa, nhạc cấp quốc gia và quốc tế.
– Thư viện
Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố là cơ sở được đầu tư hiện đại bao gồm 11 kho sách và một nguồn dữ liệu online độc lập với 25 máy được kết nối với máy chủ và hệ thống truy cập băng thông rộng với khoảng 248.558 tài liệu/82.000 tên. Hệ thống phòng đọc của thư viện cho phép đón tiếp và phục vụ 2.500 độc giả.
Đối với các thư viện cấp quận, huyện không có trụ sở riêng mà được xây dựng hoặc bố trí một số phòng trong Trung tâm văn hóa thể thao hoặc phòng Văn hóa thể thao quận, huyện, do vậy, diện tích các thư viện còn nhỏ hẹp.
– DỰ BÁO PHÁT TRIỂN KHU VỰC DU LỊCH VÀ DU LỊCH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
– Khu vực dịch vụ
Tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, nhất là du lịch, thương mại, dịch vụ logistics, tài chính – ngân hàng, giáo dục – đào tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và kết nối cao với các trung tâm dịch vụ quốc tế trong khu vực ASEAN và thế giới.
– Phát triển du lịch
– Phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực. Tạo sự khác biệt về tính sáng tạo, hấp dẫn và chất lượng sản phẩm dịch vụ phục vụ cho điểm đến du lịch Đà Nẵng. Phát triển du lịch gắn với hình ảnh “thành phố đáng sống”, năng động, văn minh và thành phố lễ hội, sự kiện, đồng thời bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa lịch sử, gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường đăng cai tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực, đưa Đà Nẵng trở thành thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế. Phát huy vai trò hạt nhân và cửa ngõ du lịch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
+ Các nhóm sản phẩm du lịch chính: Du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, hội nghị hội thảo (MICE); du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh, sinh thái, làng quê, làng nghề và du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực; đa dạng hóa các sản phẩm bổ trợ gồm: Du lịch ẩm thực, du lịch chữa bệnh – làm đẹp, du lịch cưới.
+ Tập trung đầu tư 04 nhóm du lịch trọng tâm: Tập trung đầu tư các nhóm du lịch trọng tâm: Phát triển Bán đảo Sơn Trà trở thành khu du lịch quốc gia theo hướng du lịch sinh thái cao cấp, gắn với bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; Vịnh Đà Nẵng thành “đô thị biển” mang tính chất độc đáo, tạo nên điểm nhấn về kiến trúc và dịch vụ; Trung tâm thành phố với khu bảo tàng sống và trung tâm đô thị mới, CBT (An Đồn); các trung tâm thương mại quốc tế, khu phi thuế quan và outlet, phố đi bộ kết hợp mua sắm và nhà hàng truyền thống; và các dự án vui chơi, giải trí, điểm du lịch sinh thái cộng đồng và liên kết vùng, đặc biệt chú trọng các dịch vụ du lịch về đêm.
– Định hướng tăng số lượng khách quốc tế thuộc phân khúc chất lượng cao, có khả năng chi trả cao, hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường, thu hút khách du lịch từ các nước phát triển: Tăng cường khai thác và mở rộng các thị trường quốc tế gồm Nga, Ấn Độ, Úc, Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu, Trung Đông… ; tiếp tục khai thác thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Đông Nam Á.
– Đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa ba địa phương Đà Nẵng -Quảng Nam – Thừa Thiên Huế, giữa vùng du lịch trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên, giữa các địa phương trong nước, khu vực và quốc tế.
– QUY HOẠCH DU LỊCH ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
Quy hoạch Du lịch định hướng (2030)
Quy hoạch chung định hướng phát triển các dịch vụ Nhà Hàng – Khách Sạn cùng với các điểm tham quan đa dạng sẽ được định hướng trên khắp Đà Nẵng. Đến năm 2030, đất du lịch có 2.388 ha phục vụ cho các hạng mục sau:
– DU LỊCH TỰ NHIÊN
Để đảm bảo du lịch Đà Nẵng giữ được sự bền vững, du lịch tự nhiên, du lịch sinh thái có thể được khuyến khích như một phần trong nỗ lực bảo tồn môi trường và các hệ sinh thái độc đáo của Đà Nẵng. Khai thác du lịch tự nhiên sẽ tập trung vào việc tối thiểu hóa tác động lên môi trường tự nhiên, cùng với đó tạo nên những điểm đến hấp dẫn dựa trên cảnh sắc thiên nhiên phong phú của thành phố.
– Du lịch sông nước
Như đã đề cập, Đà Nẵng có sự đa dạng về hệ thống sông biển, là bản sắc của Thành phố và có thể biến thành các điểm đến du lịch tự nhiên hấp dẫn. Sự phát triển của du lịch sông nước cần ưu tiên các sản phẩm du lịch sông nước chất lượng cao và bền vững. Các nút du lịch sông nước định hướng gồm:
Sông Hàn nằm ở trung tâm thành phố Đà Nẵng, là hình ảnh mang tính biểu tượng của Đà Nẵng. Một mạng lưới tích hợp các điểm tham quan dọc theo sông Hàn, kết nối với tất cả các nhánh sông ở Đà Nẵng, di chuyển bằng tàu thuyền, taxi du lịch đường sông, tạo điều kiện cho khách du lịch thưởng ngoạn vẻ đẹp sông nước và hoạt động sống đặc sắc hai bên bờ.
Thêm vào đó, để tận dụng hơn nữa các đặc tính sông nước dọc theo vịnh Đà Nẵng, bờ biển phía Đông và hệ thống sông Hàn, hai hành lang phát triển du lịch sông nước được định hướng để kết nối các điểm đến du lịch quan trọng, bao gồm khu ven vịnh Đà Nẵng, các bãi biển bờ Đông, các cơ sở nghỉ dưỡng, bến tàu du lịch Tiên Sa, tuyến đường mua sắm chính, bán đảo Sơn Trà và hòn Sơn Trà con và các di sản văn hóa khác của thành phố.
Để đảm bảo du lịch Đà Nẵng giữ được sự bền vững, du lịch sinh thái sông nước được khuyến khích như một phần trong nỗ lực bảo tồn môi trường và các hệ sinh thái nhạy cảm của Đà Nẵng. Các cơ sở du lịch sẽ tập trung vào việc tối thiểu hóa tác động lên môi trường tự nhiên, trong khi cung cấp điểm đến hấp dẫn dựa trên tài nguyên thiên nhiên.
– Du lịch sinh thái sườn đồi
Với địa hình độc đáo và đa dạng sinh học phong phú ở vùng đồi núi phía Tây Đà Nẵng, phân khu sườn đồi và phân khu sinh thái phía Tây có thể được khai thác nhằm tối đa hóa tiềm năng của cảnh quan thiên nhiên và đặc điểm danh lam thắng cảnh. Du lịch sườn đồi có thể phát triển chủ yếu tại:
– Bà Nà Hills
Nhằm khai thác đặc trưng khí hậu và cảnh quan thiên nhiên của Bà Nà Hills để phát triển thành tổ hợp khu nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp theo chủ đề, thư giãn và nghỉ ngơi.
– Khu vực rừng núi phía Tây
Các hoạt động du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với thiên nhiên, đời sống hoang dã và dã ngoại (Hoà Phú, Hòa Bắc và Hòa Hiệp Bắc) có thể được khuyến khích ở khu vực núi phía Tây Đà Nẵng. Ngoài ra, dọc tuyến đường QL14G và đường Bà Nà, Suối Mơ, các địa điểm nằm dọc theo các nhánh sông, như dọc sông Cu Đê, sông Luông Đông, hồ Đồng Nghệ, cũng có thể tạo cơ hội cho các hoạt động du lịch liên quan đến sông nước được thiết lập trong khu vực rừng núi phía Tây.
– Khu tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp làng Vân
Với cả hai đặc điểm bờ biển và sườn đồi, Khu tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp Làng Vân là nơi duy nhất cung cấp các hoạt động nghỉ dưỡng, bãi biển và các hoạt động dựa trên thiên nhiên và văn hóa tại phía nam đèo Hải Vân.
– Dãy núi Phước Tường – An Ngãi
Dãy núi Phước Tường nằm trung tâm của Đà Nẵng tạo ra cơ hội độc đáo để đưa các không gian thiên nhiên đến gần với thành phố. Khu vực này có thể tổ chức các điểm ngắm cảnh của thành phố, hoạt động dã ngoại và nghỉ dưỡng ngay trong thành phố.
DU LỊCH VĂN HÓA TÂM LINH
Hiện nay, Đà Nẵng có các địa điểm tôn giáo đặc biệt gắn với cảnh quan thiên nhiên của thành phố. Đây là cơ hội để liên kết các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, phong cảnh núi – biển với các điểm đến tâm linh. Du lịch sinh thái tâm linh tập trung tại:
– Bán đảo Sơn Trà
Cùng với chùa Linh Ứng, các thắng cảnh thiên nhiên, hệ sinh thái biển phong phú, các hoạt động hoang dã và mạo hiểm, Công viên chuyên đề phía Nam bán đảo Sơn Trà mới và các cơ sở nghỉ dưỡng chất lượng cao, bán đảo Sơn Trà được định hướng phát triển để trở thành một khu du lịch quốc gia đẳng cấp quốc tế.
– Danh thắng Ngũ Hành Sơn
Danh thắng Ngũ Hành Sơn có thể được phát triển trở thành điểm đến tâm linh và thiên nhiên mang tính biểu tượng tại Đà Nẵng. Danh thắng Ngũ Hành Sơn bao gồm các ngọn nút đá cẩm thạch, đá vôi và các hang động mang tính chất tâm linh trở thành địa điểm dành cho tham quan và khám phá. Thêm vào đó, khu vực xung quanh còn có làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước có tiềm năng để phát triển thành Công viên văn hóa tâm linh.
– Du lịch đô thị
Ngoài các dịch vụ du lịch tự nhiên, Đà Nẵng là một điểm đến sôi động với nhiều hoạt động trải nghiệm du lịch ngay trong lòng thành phố. Hoạt động du lịch đô thị bao gồm:
DU LỊCH VĂN HÓA
– Khu văn hóa