Trong đó, liên doanh giữa Tổng công ty Becamex và Quỹ đầu tư Warburg Pingcus (Mỹ) được tăng vốn đầu tư 300 triệu USD để thực hiện các dự án bất động sản công nghiệp; dự án sản xuất bóng đèn pha, đèn neon, đèn trang trí của nhà đầu tư Licona Corporation với 58 triệu USD (10 triệu USD cấp mới).
Ngoài ra còn có dự án nhà máy sản xuất trang sức và phụ kiện trang sức do Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) với tổng vốn đầu tư 163 triệu USD, sử dụng 100% năng lượng tái tạo và dự kiến tạo ra hơn 6.000 việc làm. Dự án sản xuất, gia công sản xuất xe đạp điện của Công ty Vision Mobility Limited, vốn đầu tư 6,6 triệu USD và dự án của Công ty TNHH Công nghệ và thương mại Chyfly, sản xuất hạt nhựa với vốn đầu tư 6,5 triệu USD
Trong đợt cấp phép đầu tư lần này, Công ty cổ phần Thiết bị dầu khí Việt Mỹ (vốn đầu tư trong nước) sẽ sản xuất, gia công sản xuất thiết bị cơ khí sử dụng trong ngành khai thác dầu khí với số vốn là 120 tỷ đồng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, đầu năm đến ngày 15/3, địa phương thu hút được 437 triệu USD vốn FDI. Lũy kế đến nay, địa phương này đang đứng thứ hai cả nước (sau TP HCM) về thu hút đầu tư nước ngoài, với 4.092 dự án được cấp phép còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 39,73 tỷ USD, chiếm 9% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước.
Cũng trong chương trình Khởi động – Kết nối – Phát triển mới, UBND tỉnh Bình Dương đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn FPT và Sun Group trong các lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển thương mại dịch vụ du lịch. Tập đoàn VSIP Group ký kết biên bản hợp tác với 9 tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình và Nam Định để phát triển khu công nghiệp, trung tâm đô thị và dịch vụ.
Hiện nay, Bình Dương có 29 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích đất gần 13.000 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 90%, Cùng với TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu tạo thành vùng tứ giác phía Nam đóng góp hơn 91,7% tổng thu ngân sách của Vùng và 37% tổng thu ngân sách cả nước.