M&A giữa công ty Việt với nhau là điều tuyệt vời
Ngày đăng: 22.05.2023
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dragon Capital đánh giá, thương vụ M&A thực hiện giữa các công ty trong nước là điều tuyệt vời, vì cùng văn hoá, chi phí rủi ro thấp hơn, giai đoạn hội nhập sau sáp nhập đơn giản hơn.
Chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 do báo Đầu tư tổ chức ngày 23/11, Chủ tịch Dragon Capital cho biết, quỹ của tập đoàn đầu tư vào thị trường vốn ở Việt Nam, không làm nhiều M&A. Mỗi khi đầu tư vào công ty nào, quỹ đều muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng trở thành nhà đầu tư chiến lược. Xu hướng bây giờ cũng có nhiều thay đổi.
Vị này đề cập, nhìn bình diện bức tranh kinh tế thế giới khá “đáng sợ”. Gần đây, mọi người đề cập thế giới kết thúc 30 năm qua – kết thúc kỳ nghỉ thư giãn, tức 30 năm qua có nhiều phát triển tích cực. Và ông Dominic Scriven cho rằng, 3 thập kỷ tới sẽ không sáng sủa như giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, Chủ tịch Dragon Capital nêu, có một tin tốt ở Việt Nam là sự đa dạng của loại hình đầu tư, cũng như đa dạng các nhà đầu tư. Các công ty Việt Nam đã thích ứng vào chuỗi cung ứng toàn cầu số hóa đổi mới…, sẽ tạo ra các cơ hội to lớn cho Việt Nam.
Ông Dominic đánh giá, ASEAN thập kỷ trước khá yên lặng. Sự trỗi dậy của Đông Á và khu vực kinh tế Đông Nam Á là động lực phát triển của kinh tế thế giới. Dân số thế giới đã đạt 8 tỷ người và đến năm 2030 có 1 tỷ người lên 65 tuổi cũng sẽ mở ra các cơ hội mới, đến từ trách nhiệm xã hội, quản trị ESG thích nghi với biến đổi khí hậu…
Ông Dominic Scriven
“Người Việt có câu, trong rủi có may. Tôi tin ở đây may mắn về mặt đầu tư kinh doanh. Trong khủng hoảng sẽ có cơ hội, trong nguy có cơ”, Chủ tịch Dragon Capital nói.
Đề cập tới việc có dễ hay không trong vấn đề huy động vốn, ông Dominic Scriven cho biết, trong lĩnh vực tài chính, có 2 xu hướng ông đang quan sát, một là có các giao dịch giữa công ty trong nước của Việt Nam. Vị này đánh giá, thương vụ M&A thực hiện giữa các công ty trong nước là điều tuyệt vời, vì cùng văn hoá, chi phí rủi ro thấp hơn, giai đoạn hội nhập sau sáp nhập đơn giản hơn.
Dù số lượng các khoản đầu tư nhà đầu tư Việt Nam thực hiện ở nước ngoài chưa nhiều, nhưng đầu tư này cũng thú vị và tích cực. Ví dụ như công ty trong ngành du lịch lớn của Việt Nam mua công ty du lịch châu Âu, sau đó sử dụng nền tảng, công nghệ, năng lực đội ngũ, mở hoạt động du lịch ở châu Âu.
Chuyên gia này nhìn nhận, nguồn tiền đang khan hiếm theo nghĩa chính sách tiền tệ chặt hơn vì lạm phát. Quỹ của Dragon Capital vay trên thị trường quốc tế, lãi suất 4% (cách đây 2 năm), năm nay là 9%, khó để kiếm vốn hơn.
“Chúng ta sẽ phải nghĩ đến các cấu trúc vốn khác nhau, nếu muốn huy động vốn thì chúng ta có vốn rủi ro cao, vốn rủi ro thấp, tiền rủi ro cao dễ kiếm, nhưng khi chính sách siết chặt lại thì tìm vốn khó khăn hơn, nên sẽ khó khăn cho tìm đối tác thực thi các giao dịch”, ông Dominic cho biết.
Khi khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn, làm gì để giảm thiểu rủi ro cho đối tác? Có thể sử dụng một nửa vốn cổ phần, một nửa vốn nợ. Ngoài ra, còn có các phương pháp phi tài chính giảm rủi ro cho nhà đầu tư như đa dạng hóa rủi ro, đảm bảo tính minh bạch, tăng cường trách nhiệm…, giúp các công ty tăng cường xác suất giảm rủi ro của mình.
Đề cập tới vấn đề làm sao để Việt Nam thu hút đầu tư, ông Dominic chia sẻ, nhà đầu tư yêu thích môi trường đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề cần đề cập là trong 2 năm qua, có nhiều công viên chức ở các quan nhà nước nghỉ việc. Điều này khiến ông thấy có chút lo lắng. Bởi hiện nay, tốc độ hoạt động của doanh nghiệp tư nhân rất nhanh và cơ quan nhà nước cần bắt kịp tốc độ này.
Ở các lĩnh vực mới như số hoá, hay thiết lập cơ chế sandbox, hay tác động biến đổi khí hậu, bản quyền sở hữu trí tuệ…, có nhiều lĩnh vực cần cơ quan quản lý nhà nước mạnh và chuẩn bị tốt. Các cơ quan quản lý cần được thông tin đầy đủ, đào tạo đầy đủ và cần được trả lương tốt, tạo động lực tốt.
Với TP.HCM, là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, vậy Thành phố có thể làm gì? Ông Dominic cho rằng, trước hết là có thể cải thiện hệ thống trọng tài để giải quyết tranh chấp. Điều này rất quan trọng với môi trường kinh doanh quốc tế. Chúng ta đã có Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Việt Nam, nhưng chúng ta cần cải thiện năng lực và mức độ hấp dẫn hơn của trung tâm này.
Ngoài ra, để có sức hút hơn với các nhà đầu tư quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam nên sử dụng hệ thống báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế (IFRS).
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có cơ chế quản lý với những doanh nghiệp có hoạt động đầu tư nước ngoài, có nguồn thu nước ngoài, làm sao để doanh nghiệp, doanh nhân có thể chuyển tiền, lợi nhuận từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại thuận tiện hơn.
Vấn đề cuối cùng visa của du khách nước ngoài cũng cần thuận tiện hơn, theo ông Dominic Scriven khuyến nghị.